Công việc dưới 30m nước!
Tàu rời Phan Thiết, dong về hướng biển Hàm Tân. Người thợ lặn có tên là Hải, giọng xứ nghệ, nói nhỏ: “Mùa lặn sò chủ yếu từ tháng chín đến tháng mười hai. Bây giờ đi lặn nên cần cảnh giác với lực lượng kiểm ngư. Đến mùa Lặn sò ra biển Bình Thuận chẳng khác nào ngày hội”. Nói rồi Hải chỉ tay sang mấy tàu bên cạnh: “Họ cũng lặn cả đấy. Mùa này sò đang đẻ nên ít thịt, giá bán không cao”.
7 giờ sáng các thuyền lặn đã có mặt giữa biển khơi, nước biển một màu xanh thẫm. Mọi người trên tàu bắt tay vào công việc, chuẩn bị xuống biển. Các thợ lặn kiểm tra trang thiết bị của mình. Đồ lặn thật đơn giản. Mỗi thợ lặn một ống nhựa dài chừng 300-400m được nối với máy nén hơi thay bình dưỡng khí, vợt lưới dùng để đựng sò và không quên chuỗi thỏi chì nặng trịch. Người lớn mang thỏi chì nặng 10kg, người nhỏ chừng 7-8kg. Máy nén hơi quạt gió đã nổ máy chạy đều, cả tám người đều lao ào xuống biển. Chừng ba phút trôi qua tất cả đã chìm sâu xuống đáy đại dương.
Những bọt bóng nước cũng xa dần tàu rồi tan vào sóng biển. Người tài công vừa chỉnh máy bơm hơi vừa ngóng mắt canh chừng lực lượng kiểm ngư: “Ở đây chủ tàu cùng với thợ lặn hợp đồng chia 50% nên họ siêng năng lắm, vào đúng mùa sò thu nhập không dưới 100.000 đồng/ngày. Còn mùa này thì thất thường lắm. Mấy hôm trước có bữa tàu lại về không. Càng ngày lặn càng xa, càng sâu nhưng thu nhập cũng không khá hơn. Chỗ lặn này ít cũng trên 20 sải nước”. Nhớ lúc ở chi cục kiểm ngư, anh Nguyễn Trung Minh – chi cục trưởng – cho hay với điều kiện trang bị bảo hiểm, thiết bị hiện nay chỉ cho phép lặn 15m. ấy vậy với thân trần không bảo hộ, thợ lặn xuống 20 sải, phải đến 30m thì thật nguy hiểm.
Công việc của những người thợ lặn dười đấy biển cũng sôi động vô cùng. Họ vừa cắn răng giữ chặt ống thông hơi là lao thẳng một mạch xuống đấy biển. Cứ xuống 10m lại một lần ngậm miệng giữ hơi để chống sức ép của nước vào tai. Vừa xuống đấy biển, công việc đầu tiên là siết lại đai chì quanh bụng để không làm mông chổng ngược lên phía trên.
Một bên hông khoác bị lưới và tay cào bắt đầu cho một ngày làm việc.
Mặc cho sức ép của nước biển, nhiệt độ hạ xuống thấp, họ vẫn phải căng mắt để tìm bãi sò. Nhiều hôm sáng đến trưa họ đi hàng giờ dưới đáy biển. Khó nhọc nhất là lúc bao sò đã gần đầy lại phát hiện bãi mới, học vẫn phải lội đến khi vác trên mình đến mấy chục cân. Thợ lặn Phạm Đông tâm sự: “Không phải bao giờ xuống biển là có sò, lắm lúc cả ngày xuống biển lại về không. Vừa đi tìm sò vừa lo sợ nguy hiểm rình rập xung quanh, chỉ cần máy quạt hơi ngừng 10 giây, sức ép của biển làm choáng đầu, răng không cắn chặt ống hơi là chết tức thì (nguyên nhân dẫn đến cái chết do áp suất thay đổi đột ngột, khi lên tàu không kịp giảm áp, máu cứ thế trào ra ngoài. Người nào may mắn thoát chết thì lại mang chứng bại liệt). Lắm lúc các ống dẫn hơi đã cũ hay bị gấp khúc, bị tuột dây hơi do di chuyển nhiều thì không tránh khỏi cái chết”. Nghe qua đã thấy lạnh người.
Theo qui định bắt buộc, cứ mỗi lần lên xuống 10m nước phải dừng lại 10 phút để cơ thể thích nghi với áp suất nước nhưng không thể thực hiện được như vậy. Khi phát hiện lực lượng kiểm ngư, tài công đổ vài giọt dầu chuối vào quạt hơi để báo hiệu cho thợ lặn. Đã qui ước từ trước, thợ lặn tức tốc trồi lên mặt nước ngay!
Lời khẩn cầu từ “vương quốc sò lông”
Anh Nguyễn Trung Minh, chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, cho biết trữ lượng sò lông ở Bình Thuận lớn song không phải là vô tận. Viện Hải dương học đã điều tra trước đây cho thấy trữ lưỡng sò lông khoảng 250.000 tấn, trong đó khả năng khai thác an toàn chừng 10.000 tấn. Thế nhưng tình hình khai thác quá mức đã phá vỡ khả năng tái tạo tự nhiên của loài sò lông. Hiện có nhiều “mỏ” như Chí Công, Mùi Né, Tân Thành đã cơ bản bị xóa xong. Lực lượng kiểm ngư đã ra tay ngăn chặn nhưng vẫn không chấm dứt được. Năm trước chi cục đã bắt xử lý 500 vụ vi phạm nhưng tình trạng lặn trái phép vẫn chưa giảm.
Anh Trần Ngọc Đường, trạm trưởng trạm Phan Thiết, dẫn chúng tôi đi xem “chiến lợi phẩm” được chất đầy một góc nhà. Máy nén hơi, dây dẫn khí…ngổn ngang. Mấy tháng qua trạm đã liên tục ra quân và bắt phạt 82 vụ vi phạm về lặn sò, điệp. Nghề lặn sò, điệp vô cùng hiểm nghèo song làm gì để ngăn cái chết trẻ lại là một điều khó thực hiện. Biển cạn kiệt, còn người thì cứ chết!
Trước tình trạng thợ lặn bị chết và thương tật đến mức báo động, UBND tỉnh Bình Thuận đã ra biện pháp quản lý đối với thợ lặn. Những người được cấp giấy phép mới được hành nghề lặn. Yêu cầu đặt ra là thợ lặn phải qua đào tạo kỹ thuật; giám định sức khỏe, kinh nghiệm cần thiết, chủ phương tiện phải mua bảo hiệm, ký kết hợp đồng lao động……..
Điều đáng tiếc là đã có chủ trương nhưng không dễ dàng thực hiện được. Bao giờ mới không còn những cái chết trẻ, những tấm thân bất động vì nghề lặn?….Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.
TRẦN YÊN