Previous slide
Next slide

CHUYÊN MỤC

TIN TỨC Y KHOA MỚI NHẤT

Càng nhúc nhích càng ít bệnh

Nhiều người chưa biết một phần quan trọng của lượng đường trong máu được điều chỉnh, nghĩa là trở về định mức bình thường sau bữa ăn, là nhờ vận động của bắp thịt. Cơ bắp càng co duỗi thì lượng đường trong máu càng được huy động nhanh vào tế bào để rồi sau đó được đốt cháy qua tiến trình biến dưỡng nhằm sinh năng lượng cho gia chủ tùy nghi sử dụng. Chính vì thế mà lực sĩ thể hình phải ăn nhiều để đủ chất đường, đủ năng lượng cho công việc cử tạ. Ngược lại, chất đường trong máu của người lớn tuổi có khuynh hướng tăng cao thành bệnh tiểu đường vì hệ vận động ít nhiều phải suy giảm về khối lượng khi tuổi đời chồng chất. Khả năng tiêu hủy chất đường qua vận động co duỗi của bắp thịt vì thế cũng giảm thiểu khiến đường dễ tồn đọng trong máu hơn lúc còn trẻ. Do đó, nếu tưởng nên ngồi yên khi lớn tuổi thì lầm. Người bệnh tiểu đường, nhất là người cao tuổi, cần phải vận động nhiều hơn, thường hơn, tất nhiên trong mức độ nào đó phù hợp với thể trạng của mỗi đối tượng cá biệt, để đốt được chút đường thừa nào trong máu hay chút nấy.

Không chỉ nhằm mục tiêu phòng chống bệnh tiểu đường, kết quả của nhiều công trình nghiên cứu đã đồng thanh xác minh vận động là biện pháp:

  • Chống bệnh trầm uất.
  • Hưng phấn khả năng hội nhập cộng đồng.
  • Ổn định chức năng tư duy, cụ thể là khả năng tiếp thu và suy diễn.
  • Tăng cường hoạt tính của tụy tạng và nội tiết tố insulin.
  • Cải thiện chức năng của hệ tuần hoàn.
  • Chống tăng chất mỡ trong máu.
  • Ngăn ngừa tình trạng loãng xương và trì hoãn hiện tượng thoái hóa của cơ khớp.
  • Và nhiều nữa …

Tất cả những điểm vừa nêu lại là những vấn đề cốt lõi trong cuộc sống của người cao tuổi. Không lạ gì khi nhiều chuyên gia về lão khoa đã không ngần ngại xếp biện pháp vận động vào vị trí ngang hàng với thuốc đặc hiệu. Thầy thuốc nhiều kinh nghiệm với bệnh của người già đều rõ là thuốc có tốt đến đâu cũng khó đạt được hiệu quả như mong muốn nếu người bệnh ngồi yên đợi giờ uống thuốc.

Tất nhiên không dễ thay đổi thói quen khi đó dù sao cũng là một phần bản chất của mỗi con người. Thực trạng này càng rõ nét hơn nữa khi phải thay đổi hình ảnh định kiến về người cao tuổi với hai tiếng già yếu theo sát như hình với bóng. Biết là người lớn tuổi đương nhiên không thể là vận động viên leo núi. Nhưng ngồi yên đồng nghĩa với chờ bệnh. Ngược lại, mượn tác dụng tiêu hao năng lượng qua vận động của bắp thịt để đường huyết đừng vượt quá định mức bình thường nhằm phòng tránh biến chứng trên mắt, não, tim, thận, gan… là biện pháp hữu ích cho mỗi người cao tuổi. Nhưng mặt khác, đừng cường điệu để vận động thể dục thể thao biến thành con dao hai lưỡi. Tập kiểu nào cũng được, dượt bao lâu tùy người, miễn là chậm rãi và an toàn cốt sao cho đừng mệt sau buổi tập vì tụt đường huyết, miễn là vui mỗi lần bước vào buổi tập. Vận động khi lớn tuổi cho dù có khó khăn ít nhiều dù sao vẫn vui hơn cảnh đến lúc nào đó phải cắn răng nhanh chân đến… phòng khám!

(42)

Nhăn nhó khó thành tiên

Tương tự như nỗi trăn trở của nhiều nhà nông, một trong các vấn đề của người cao tuổi có liên quan đến đầu ra. Cho dù có giải quyết được chuyện ăn uống cho hợp lý với sức khỏe và thể trạng của người già thì táo bón trước sau vẫn là nỗi khổ của nhiều người. Ấy thế mà khi thử thống kê trên số bệnh nhân đang được điều trị ngoại trú thì kết quả cho thấy đại đa số bệnh nhân tập trung vào bệnh vừa nặng, vừa “quí phái” như cao huyết áp, loét bao tử, suy nhược thần kinh vì stress…, nhưng ít ai đề cập đến… táo bón, dù là khi được hỏi thêm thì gần phân nửa thừa nhận là đã đau khổ từ lâu vì rặn mà không ra!

Tiếng Việt hay nhờ cách dùng danh từ kép. Táo bón là một thí dụ. Nạn nhân có thể thuộc nhóm “táo”, với triệu chứng điển hình là “vạn sự khởi đầu nan” nhưng hễ cố gắng vượt qua được chướng ngại đầu tiên thì đâu lại vào đó.Ngược lại, nếu thuộc phe “bón” thì cứ như hãng sản xuất vẫn cho chạy dây chuyền nhưng lại thiếu nguyên liệu tồn kho khiến cơ sở tuy rổn rảng tiếng máy nhưng hàng xuất kho thì đến hẹn không thèm lên! Dù dưới dạng nào cũng thế, tình trạng táo bón bao giờ cũng là đòn bẩy để nhiều bệnh chứng phức tạp có thể hình thành, từ trĩ, căn bệnh khiến nhiều người đứng ngồi không yên, bước qua viêm trực tràng khiến nạn nhân chưa thủng ruột thì đã thủng túi vì chi phí điều trị, cho đến ung thư ruột già, mối đe dọa hàng đầu cho nam giới từ độ tuổi 50. Nếu theo đúng giọng “kinh tế thị trường” thời hội nhập thì táo bón là bệnh chứng “mua một tặng thêm vài cái”, dù khách không vui vẻ gì khi nhận quà khuyến mãi!

Hệ tiêu hóa của người lớn tuổi tất nhiên khó có thể hoạt động trơn tru như lúc còn trẻ, phần vì cơ thể người già có khuynh hướng thiếu nước, phần vì chức năng co thắt của khung ruột khó ổn định do dễ rối loạn chất điện giải. Thêm vào đó, bên cạnh thói quen uống thiếu nước, nhiều người lớn tuổi thường có khẩu phần thiếu chất xơ do ít rau quả trên bàn ăn. Táo bón vì thế là chuyện cứ như thường tình trong buổi hoàng hôn của cuộc sống.

Nhưng nói thế không có nghĩa phải khoanh tay chấp nhận. Trái lại phải tìm mọi cách để tối ưu hóa chức năng bài tiết của khung ruột vì táo bón không chỉ gây khó chịu và mất chất lượng cuộc sống của nạn nhân. Đó còn là lý do dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng do bệnh ở trực tràng.

Ông bà vẫn dạy “Ăn được, ngủ được là tiên”. Đúng nhưng không hẳn lúc nào cũng trọn nghĩa. Ăn ngon miệng, ngủ ngon giấc nhưng nếu chuyện đó ì ạch không xong thì cũng khó thành tiên.

(43)

Tại sao viêm xoang lâu lành?

Có một điều rõ ràng. Rất nhiều trường hợp viêm xoang cấp sau đó chuyển sang thể viêm xoang mãn tính với đủ loại hậu quả nhiêu khê gây ảnh hưởng bất lợi trên sức đề kháng của nạn nhân. Đó là chưa kể đến gánh nặng tài chính vì tình trạng nay đau mai yếu gây trở ngại cho chuyện lao động, học tập. Đáng nói hơn nữa là phần lớn bệnh nhân đã được điều trị với nhiều loại thuốc, thậm chí thường khi với thuốc kháng sinh đời mới đắt tiền. Ấy thế, mà không nói riêng ở nước mình, ngay cả ở các quốc gia đã có nền y tế với cấu trúc và hiệu năng ổn định, viêm xoang mãn từ viêm xoang, viêm mũi dị ứng, viêm họng mãn, viêm nha chu, viêm tai giữa… trước sau vẫn là vấn đề nhức nhối của bệnh nhân và thầy thuốc.

Lý do là vì phần đông bệnh nhân cứ tưởng hễ có thuốc là xong việc, là vì một số không ít thầy thuốc vẫn quan niệm muốn chống viêm chỉ cần thuốc kháng viêm. Trên thực tế, liệu pháp điều trị viêm xoang, theo kiểu nào cũng thế, nếu muốn đạt hiệu quả tối đa, cần được hỗ trợ bằng một số biện pháp như dưới đây:

  • Uống tối thiểu hai lít nước trong ngày bằng cách uống đều đặn mỗi giờ. Đừng quên là muốn tống khứ đàm nhớt ứ đọng và gắn chặt như keo trong xoang thì trước hết phải pha loãng.
  • Tăng lượng kẽm dự trữ vì cơ thể thường thiếu khoáng tố này trong lúc viêm tấy. Nên nhớ là vết thương khó lành nếu thiếu kẽm. Cũng đừng quên kẽm là nhân tố sinh học cần thiết cho tác dụng tối ưu của nhiều loại thuốc kháng sinh. Nhờ kẽm mà liều thuốc trung bình có được tác dụng cực đại.
  • Đừng chỉ dựa lưng vào thuốc kháng sinh với hóa chất tổng hợp. Nên cùng lúc áp dụng hoạt chất kháng sinh thiên nhiên trong dâu tây, củ hành, gừng… thay vì vội vã nuốt thuốc kháng sinh bất kể bài bản rồi vô tình tiếp tay cho hiện tượng lờn thuốc.
  • Tiếp tế cho cơ thể sinh tố C nhiều hơn thường ngày để yểm trợ hoạt động của hệ miễn dịch.
  • Đồng thời bổ sung tiền sinh tố A, nhân tố cần thiết để bảo vệ cấu trúc khỏe mạnh của da niêm, chẳng hạn với khoai lang ta, đu đủ, bí rợ…
  • Một trong các cơ quan phải tăng năng suất làm việc trong lúc xoang đang bị viêm là tuyến thượng thận. Tuyến này lại chỉ được việc nếu cơ thể đừng thiếu canxi. Uống sữa trong lúc viêm xoang là biện pháp khéo léo để cơ thể đừng hết pin quá sớm trong cuộc chạy đua chống viêm xoang.
  • Chữa viêm xoang mà chỉ trông mong vào thuốc thì không có gì lạ nếu xoang lâu lành, nếu bệnh dễ tái phát. Hiểu thêm cách hỗ trợ cho thuốc chính là đòn bẩy để thuốc có tác dụng nhanh, mạnh và toàn diện. Nói cách khác, thầy thuốc có thể nhờ đó đơn giản hóa liệu pháp và thu ngắn liệu trình. Người bệnh nào muốn gì hơn!

(44)

Hết đường chối cãi

Tưởng dễ ăn nhưng lại rất dễ… hố!, nếu muốn phát hiện bệnh tiểu đường, nếu muốn đánh giá diễn tiến của căn bệnh này mà chỉ trông cậy vào kết quả xét nghiệm đường huyết lúc bụng đói! Lý do là vì đường huyết sau một đêm không ăn và ngủ ngon có thể tụt xuống định mức bình thường cho dù gia chủ trong ngày đã gặp rắc rối với việc điều chỉnh lượng đường trong máu. Muốn biết khả năng hoạt động thực sự của tụy tạng, cơ quan chịu trách nhiệm trong bệnh tiểu đường, thầy thuốc thường tiến hành một xét nghiệm đặc hiệu có tên viết tắt là OGTT (oral glucose tolerance test), tạm dịch là “thử nghiệm dung nạp glucose qua đường miệng”.

Nguyên tắc của xét nghiệm này dựa trên kết quả đo đường huyết và đường trong nước tiểu sau khi bắt “thân chủ” nhét cho đầy chất ngọt. Nói chính xác hơn, xét nghiệm được tiến hành như sau:

  • Đối tượng áp dụng chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt ổn định trong 3 ngày liên tục trước khi xét nghiệm máu và nước tiểu.
  • Đo đường huyết lúc bụng đói sau 12 giờ nhịn ăn sau đó cho bệnh nhân uống 75g glucose.
  • Sau 2 giờ nghỉ ngơi, không hút thuốc, đo lại lượng đường trong máu và trong nước tiểu.
  • Kết quả gọi là dương tính nếu lượng đường trong máu cao hơn định mức bình thường và nếu có đường trong nước tiểu.
  • Với OGTT thầy thuốc vừa có cái nhìn khách quan vừa chính xác hơn về bệnh tiểu đường, chẳng hạn như khi cần tầm soát bệnh tiểu đường trên đối tượng có thân nhân đã bị bệnh. Thông qua OGTT thầy thuốc có thể tìm ra đáp án tại sao có người không tăng đường huyết nhưng lại có đường trong nước tiểu, cũng như để xác minh bệnh tiểu đường ở thai phụ đã phát hiện có đường trong nước tiểu. Đi xa hơn nữa, nhờ OGTT người điều trị có thể đánh giá tiên lượng cho người bị thiểu năng mạch vành, tăng chất mỡ trong máu, béo phì, cao huyết áp… vì đường huyết nếu tăng cao bao giờ cũng là yếu tố bất lợi trong các bệnh này.
  • Thông thường thì lượng đường trong máu lấy ở mao quản thấp hơn 140mg/dl. Nếu kết quả xét nghiệm cao hơn 200mg/dl thì chắc chắn là người bệnh đã bị bệnh tiểu đường. Ngược lại, kết quả cũng có thể rất thấp trong trường hợp ung thư tụy tạng dạng bài tiết nhiều insulin. Ngoài ra, xét nghiệm không chính xác nếu được thực hiện trong vòng 3 ngày trước và sau kỳ kinh.
  • Tuy vậy, cũng nên lưu ý là kết quả xét nghiệm OGTT chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Kết quả có thể tăng cao sau lần nhồi máu cơ tim, giải phẫu lớn, cường tuyến giáp, thiếu kali lâu ngày, rối loạn biến dưỡng chất béo, dùng thuốc lợi tiểu, thuốc có corticoid, thuốc có estrogen trường kỳ. Trái lại, kết quả có thể giảm thiểu thấy rõ sau khi giải phẫu cắt bỏ dạ dày, hay tiểu trường cũng như ở người viêm đại trường mãn.
  • Cũng như chuyện đời, thường khi cháy nhà mới ra mặt chuột. Nếu gian nan tạo anh hùng thì cũng chính gian truân lật mặt tiểu nhân. Với một số người bệnh tiểu đường thuộc nhóm “cứng đầu” có khi phải bơm đường vào cơ thể cho ngộp mới lòi ra là tụy tạng kham không nổi công việc quản lý.

(45)

Nhậu mà không bệnh mới hay

Không ít bệnh nhân, sau khi xét nghiệm cho thấy gan nhiễm mỡ gần hết do bị hủy hoại bởi độ cồn, thường tìm cách chống chế với lý do phải uống vì… nghề nghiệp! Nhiều bệnh nhân thuộc nhóm “không cụng không về” còn hồn nhiên hơn nữa với câu hỏi liệu có cách nào uống rượu mà vẫn tránh được tình trạng da già trước tuổi, gan bệnh trước người? Cứ như rượu uống vào rồi rượu ngoan ngoãn một đi không trở lại.

Khỏi nói dông dài thì ai cũng hiểu là đã uống rượu, kể cả bia, vì với nhiều người thuộc nhóm “quắc cần câu là chuyện bình thường” thì bia khác với rượu, ắt khó tránh tác hại, không sứt cũng mẻ đâu đó. Nói một cách tương đối, nếu phải chén chú chén anh để cả anh lẫn chú đều vui, thì khéo hay vụng chỉ ở chỗ làm sao để tuy vướng vào vòng túy lúy nhưng chỉ bị thương… nhẹ!

Rượu bia, phải nói chung như thế để tránh đối xử phân biệt, sở dĩ gây hại trên gan, thận, thần kinh, da… là do độ cồn trong rượu. Độ cồn càng cao, càng bất lợi cho sức khỏe, chưa kể đến chuyện trật vuột trong phong cách ứng xử vì say xỉn. Đế đúng là hại hơn bia, nếu cùng liều lượng. Nhưng nướng trọn két bia thì cũng không thua gì xị đế. Như thế, người tuy ít khi uống nhưng hễ uống thì “chơi tới bến” lại dễ là miếng mồi ngon của rượu bia hơn người tuy ngày nào cũng uống nhưng chỉ lai rai đúng nghĩa ba sợi cho vui.

Uống theo kiểu nào cũng thế, muốn giảm thiểu mức độ tai hại của rượu bia, nói chung, có ba cách cơ bản:

  • Trì hoãn tiến độ hấp thu rượu vào máu bằng cách vừa uống vừa ăn, đừng chỉ uống mà không ăn. Chính nhờ tác dụng lót đường của thức ăn mà một phần độc chất trong rượu được kéo ra ngoài theo đường tiêu hóa, phần còn lại vào máu với vận tốc chậm rãi hơn nên lá gan có đủ thời giờ đối phó.
  • Pha loãng độ cồn trong máu để giảm bớt gánh nặng cho lá gan bằng uống nhiều nước, càng nhiều càng tốt, ngay trong bữa nhậu, nếu khả thi, hay ngay sau bữa nhậu. Nếu được nước khoáng loại có nhiều kali càng hay để mượn tác dụng lợi tiểu của khoáng tố này mà giả từ độ cồn.
  • Giải độc tức khắc cho cơ thể bằng cách xông hơi, hay sauna sau bữa nhậu quá tay. Khéo hơn nữa là giải độc định kỳ cho cơ thể bằng cách áp dụng, chẳng hạn 10 ngày liên tục trong mỗi tháng, với các loại trà dược thảo có công năng hỗ trợ chức năng giải độc của gan, thận, ruột như linh chi, atixô, nhàu…
  • Cả 3 mẹo vặt nêu trên tuy vậy vẫn là hạ sách. Cách hay nhất vẫn là cố gắng gom góp hết nghị lực để nói không với rượu bia cho thường. Nếu không được thì chỉ còn cách tìm đến thầy thuốc khi vừa phát hiện triệu chứng ngộ độc rượu như mất ngủ, đau nhức, rối loạn hành vi … để chạy thuốc trước khi xơ gan. Khi đó chỉ mong thầy thuốc cũng đừng… xỉn!
Facebook
Twitter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

THÔNG TIN MỘT SỐ BỆNH NHÂN ĐÃ VÀ ĐANG ĐIỀU TRỊ TẠI TRUNG TÂM