Previous
Next

CHUYÊN MỤC

TIN TỨC Y KHOA MỚI NHẤT

Sơ cấp cứu quá sơ sài

TT – Trưởng ban chăm sóc sức khỏe Hội Chữ thập đỏ VN Đào Thị Thanh Tâm cho hay nhu cầu sơ cấp cứu tai nạn giao thông dọc đường rất lớn nhưng dịch vụ này lại sơ sài. Bà Tâm nói:

– Trước đây, khi đi khảo sát tại các bệnh viện có khoa hồi sức cấp cứu, ngoại chấn thương, các bác sĩ đã cho biết sơ cấp cứu ban đầu còn sơ sài, thậm chí là chưa có gì, trong khi sơ cấp cứu ban đầu tốt có thể giảm tỉ lệ tử vong và thương tật nặng ở nạn nhân tai nạn giao thông, giảm chi phí điều trị cho họ.

* Lý do gì khiến dịch vụ sơ cấp cứu dọc đường quá sơ sài như vậy?

– Chiến lược phòng chống tai nạn thương tích đã đề cập vấn đề này, nhưng giao nhiệm vụ, chế độ chính sách thì chưa có gì. Trong Luật hoạt động Chữ thập đỏ cũng quy định giao hội Chữ thập đỏ tổ chức hệ thống sơ cấp cứu dọc đường, nhưng vẫn đang tắc ở khâu đầu tư. Chúng tôi đang rất muốn xây dựng trung tâm huấn luyện sơ cấp cứu ban đầu và tổ chức dịch vụ sơ cấp cứu ban đầu, nhưng theo quy định phải có ý kiến của bộ chủ quản liên quan là Bộ Y tế nhưng mang sang Bộ Y tế thì chưa rõ là Cục Y tế dự phòng hay Cục Quản lý khám chữa bệnh cho ý kiến, nên ở T.Ư vẫn bị tắc.

Ở địa phương cũng vậy, chỉ có dễ hơn là UBND tỉnh thành quyết định được nên TP.HCM, Khánh Hòa, Cần Thơ đã thành lập được trung tâm, còn Đà Nẵng, Bình Định, Vĩnh Phúc đang chuẩn bị.

* Trong khi chờ đợi, đành phải bỏ trống dịch vụ sơ cấp cứu ban đầu, mà tai nạn giao thông gần đây rất nhiều, thưa bà?

– Hiện nay vẫn còn một số điểm, chốt sơ cấp cứu còn lại từ những dự án trước đó. Tại quốc lộ 5, trạm sơ cấp cứu ở Quán Toan, Hải Phòng vẫn hoạt động rất hiệu quả. Ở Hải Dương còn 12 chốt, điểm trên đoạn đường dài 45 km thuộc quốc lộ 5 phần đi qua tỉnh Hải Dương. Nhưng dự án rút đi, hoạt động của các chốt, điểm cấp cứu còn tùy vào sự năng động của địa phương. Vì có những cái bên Hội Chữ thập đỏ rất bí, như bông băng, vật tư tiêu hao phục vụ cấp cứu, bây giờ không có nguồn nào để mua, có tình nguyện viên bỏ tiền túi ra mua thì cũng chỉ sơ cấp cứu được những chấn thương nhẹ, những trường hợp nặng, đòi hỏi chuyên sâu, nếu có người biết sơ cấp cứu thì có lợi cho nạn nhân, nhưng hệ thống còn ít.

Hay là nẹp cố định gãy xương, chỉ có 80.000 đồng/nẹp thôi, chúng tôi đã trang bị ban đầu, nhưng khi cấp cứu và đưa nạn nhân lên tuyến trên, bệnh viện không thể đem trả nẹp về nơi sơ cấp cứu, mà tình nguyện viên đa số là nghèo.

Ở TP.HCM, hiện theo thống kê có 1.046 chốt, điểm sơ cấp cứu, nhưng phần lớn chưa đạt yêu cầu, chủ yếu đặt trong nhà dân (địa điểm sơ cấp cứu ban đầu của Hội Chữ thập đỏ có cắm cờ chữ thập đỏ), có một túi sơ cấp cứu nhỏ, sơ cấp cứu trường hợp chấn thương nặng thì chưa đảm bảo.

* Theo bà, đâu là điểm tai hại nhất nếu cứ để trống hoạt động sơ cấp cứu ban đầu?
– Theo dự án ba năm kết thúc tháng 2-2010 ở Hải Dương, do Tổ chức Y tế quốc tế Mỹ tài trợ, có phần điều tra trước khi triển khai dự án, thì tỉ lệ người bị nạn được sơ cấp cứu trước khi đến bệnh viện là gần như 0%, trong khi sau dự án tỉ lệ này đã lên đến hơn 40%. Trước khi có dự án, do chưa được tập huấn, cách sơ cấp cứu ban đầu không đúng, như người bị tai nạn giao thông phải chuyển bằng cáng, nếu không sẽ có khả năng liệt tủy hoặc đứt tủy, nhưng vì không biết nên người ta lại bế luôn nạn nhân lên xe ôm đưa đi bệnh viện.

* Bà có nói đến việc Luật hoạt động Chữ thập đỏ đã giao nhiệm vụ tổ chức hoạt động sơ cấp cứu cho Hội Chữ thập đỏ, nhiệm vụ này sẽ được tổ chức như thế nào?

– Chúng tôi đang rà soát để có khoảng 300.000 tình nguyện viên Chữ thập đỏ hoạt động đa năng, vừa vận động hiến máu tình nguyện, vận động hiến giác mạc, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh và sơ cấp cứu ban đầu. TP.HCM đã đặt mục tiêu đào tạo 3% dân số về kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu, trên toàn quốc chúng tôi chỉ dám đặt mục tiêu đến 2020 đào tạo kỹ năng này cho 1% dân số, nhưng chưa chắc đã đạt được. Ngoài một số trạm, chốt sơ cấp cứu đang hoạt động như tôi đã nói, vừa rồi Ngân hàng Thế giới đang dự định tài trợ cho một dự án nhỏ là tài trợ thí điểm thành lập trạm, chốt sơ cấp cứu trên tuyến đường TP.HCM đi Phan Thiết hoặc tuyến đường Hà Nội – Ninh Bình – Nghệ An. Tôi cho là đầu tư mở rộng đường sá nên đồng bộ với đầu tư để khắc phục tai nạn giao thông, vì những hoạt động khắc phục hậu quả đang còn triển khai rất nhỏ lẻ.

* Rõ ràng đang có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc mở rộng dịch vụ sơ cấp cứu ban đầu ở VN, trong đó có chuyện thiếu tiền. Vậy đầu tư cho một điểm, chốt sơ cấp cứu theo cách mà Hội Chữ thập đỏ đang làm có tốn kém không?

– Ở Hải Dương 12 điểm, chốt sơ cấp cứu có 60 tình nguyện viên, chi phí bao gồm tập huấn cho tình nguyện viên, giảng viên đào tạo đều là người Mỹ, chi phí điều tra ban đầu và báo cáo cuối kỳ, báo cáo hằng năm… khoảng 30.000 USD. Đó là có tài trợ quốc tế, còn với điều kiện VN, theo tôi, đầu tư cho một chốt, điểm khoảng 3-4 triệu đồng.

Chúng tôi đã tìm hiểu mô hình sơ cấp cứu ban đầu ở Pháp, trước đây 40 năm họ cũng ở tình trạng như VN là trống hệ thống sơ cấp cứu, nhưng nay gần như 100% người dân ai cũng biết sơ cấp cứu. Biết sơ cấp cứu không phải chỉ để hỗ trợ người bị tai nạn giao thông, mà trong tình huống gặp tai nạn sinh hoạt tại gia đình mình có trẻ con bị sặc bột, hóc dị vật, bị bỏng… thì làm thế nào, nhất là những tai nạn nguy hiểm, dễ tử vong như hóc dị vật.

Đào Thị Thanh Tâm

LAN ANH thực hiện

Facebook
Twitter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

THÔNG TIN MỘT SỐ BỆNH NHÂN ĐÃ VÀ ĐANG ĐIỀU TRỊ TẠI TRUNG TÂM