Previous slide
Next slide

CHUYÊN MỤC

TIN TỨC Y KHOA MỚI NHẤT

Rối loạn lo âu chia ly ở trẻ

TT – Ở tuổi đang phát triển và trưởng thành, trẻ có thể rất lo lắng khi người thân – đặc biệt là mẹ – ra khỏi nhà nên thường bám theo và khóc. Nếu lo âu quá mức có thể dẫn đến rối loạn lo âu chia ly.

Phải xa rời người thân để đi học đôi lúc làm bé rất sợ hãi (ảnh minh họa) – Ảnh: Gia Tiến

Lo âu thường gặp ở trẻ em 1-3 tuổi, tỉ lệ ngang nhau ở hai giới. Có thể khởi phát ở tuổi trước khi đi học, nhưng nhiều trường hợp bắt đầu ở 10-12 tuổi; nặng nữa là không chịu đi học.
Biểu hiện:

Bé B.N., 2 tuổi, được gia đình đưa đến trung tâm tham vấn tâm lý trẻ em bởi triệu chứng hay ói, giật mình la thét về ban đêm, kém ăn và sợ hãi. Bé đã được kiểm tra tại nhiều trung tâm nhi khoa nhưng đều không phát hiện dấu hiệu bệnh lý nào đặc biệt. Gia đình B.N. cho hay thời điểm bé gặp các vấn đề trên cũng là lúc bé được đi học mẫu giáo lần đầu.

Trước đó, bé được mẹ và ông nội thay nhau chăm sóc. Là con đầu lòng nên cha mẹ và gia đình rất cưng chiều bé, bé rất bám mẹ và ít khi xa mẹ. Qua khai thác tiền sử và lâm sàng cho thấy bé B.N. rơi vào trạng thái rối loạn lo âu chia ly ở trẻ.

Rối loạn lo âu chia ly thường có những biểu hiện sau:

– Lo âu cao độ và kéo dài do xa cách cha mẹ, gia đình, môi trường thân thuộc, sợ người thân đi không về.

– Lo sợ không có cơ sở thực tế và kéo dài là tai họa sẽ xảy ra làm trẻ phải chia ly với người thân (sợ bản thân hay cha mẹ bị tai nạn hay ốm đau, sợ bị lạc, bị bắt cóc và không bao giờ tìm lại được cha mẹ).

– Trẻ không chịu đi học kéo dài, chỉ muốn ở nhà với người có quan hệ gắn bó, níu bám cha mẹ, khó hòa nhập môi trường mới.

– Rối loạn giấc ngủ: đòi mẹ hay người có quan hệ gắn bó nằm bên cạnh cho đến khi đã ngủ, sợ bóng tối, khó ngủ, ác mộng… Trẻ có vẻ buồn, hay kêu khóc.

– Có nhiều triệu chứng cơ thể: buồn nôn, đau dạ dày, đau chỗ này chỗ khác, đau đầu, đau bụng, choáng váng, chóng mặt, các triệu chứng giống cảm cúm. Ở trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên, có thể thấy các triệu chứng điển hình về tim mạch và hô hấp, đau ngực, hồi hộp, chóng mặt, choáng váng, nghẹt thở.

Nguyên nhân:

Trẻ nhỏ chưa trưởng thành và còn lệ thuộc vào mẹ, có nhiều lo sợ xảy ra trong giai đoạn phát triển như sợ mất mẹ, sợ mất tình yêu của mẹ, sợ bị tổn thương cơ thể, sợ tội lỗi, sợ bị phạt, sợ phải xa cách mẹ. Thường đứa trẻ không chấp nhận và nếu môi trường trở thành mối đe dọa, trẻ sẽ chuyển cảm xúc giận dữ về phía cha mẹ. Các lo sợ kể trên ở mức độ nhẹ rất hay gặp ở trẻ em. Nếu ở mức độ nặng gây rối loạn sự thích ứng của trẻ với gia đình, bạn bè, trường học, trẻ mới cần được cho đi khám và điều trị.

Điều trị:

Khi trẻ có những biểu hiện triệu chứng của lo âu chia ly, quan trọng là cha mẹ phải phát hiện sớm và coi đó là một rối loạn. Nhiều cha mẹ ít quan tâm và cứ nghĩ rằng đó chỉ là một dạng lo âu bình thường làm ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ.

Việc can thiệp cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chuyên viên sức khỏe tinh thần và chuyên viên tâm lý. Việc can thiệp bằng các liệu pháp tâm lý như nhóm, gia đình, hành vi có tác dụng rõ rệt. Cũng cần can thiệp hóa dược với triệu chứng hoảng sợ, ám ảnh và lo âu chia ly.

LÊ MINH CÔNG (Bệnh viện Tâm thần trung ương 2)

Facebook
Twitter

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

THÔNG TIN MỘT SỐ BỆNH NHÂN ĐÃ VÀ ĐANG ĐIỀU TRỊ TẠI TRUNG TÂM