Previous slide
Next slide

CHUYÊN MỤC

TIN TỨC Y KHOA MỚI NHẤT

Bệnh lạ do nhiễm độc từ môi trường?

TT – Một số người dân huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi và Mường Chiềng, Hòa Bình đang mắc phải những chứng bệnh “lạ” trên da. Có người đã tử vong.

Những đám dày sừng ở chân và tay bệnh nhân chuyển từ xã Ba Điền, Ba Tơ, Quảng Ngãi ra Viện Da liễu T.Ư – Ảnh do bệnh viện cung cấp

Theo nhận định ban đầu, có thể những bệnh nhân này bị mắc bệnh do những ảnh hưởng từ môi trường sống.

Từ tháng 5-2011 đến nay, có 53 người dân tộc H’Rê ở bốn xã Ba Điền, Ba Xa, Ba Ngạc, Ba Vinh (huyện Ba Tơ), Quảng Ngãi mắc một chứng bệnh lạ: men gan tăng cao, phần mu và lòng bàn tay, bàn chân xuất hiện những đám sừng dày, có khi màu đỏ tía, lúc khô có bong vảy.

Tổng cộng có bốn bệnh nhân liên quan đến chứng bệnh này tử vong. Giới y khoa cho rằng đây là lần đầu tiên điều trị căn bệnh này và có người gọi đó là “bệnh lạ”.

Dày sừng lòng bàn tay, bàn chân

TS Nguyễn Hữu Sáu, Bệnh viện Da liễu T.Ư, nơi tiếp nhận điều trị cho 5/49 bệnh nhân dày sừng bàn tay bàn chân đầu tiên được phát hiện, cho hay: bệnh nhân nhỏ tuổi nhất trong năm bệnh nhân đến viện là em bé 11 tuổi tên P.T.N., người nhiều tuổi nhất trong nhóm là 34 tuổi.

Theo lời bệnh nhân, khoảng 2-3 tuần trước đó, trên lòng và mu bàn tay họ xuất hiện những đám sừng dày, có bong vảy trắng dày. Có người sừng xuất hiện thành đám, nhưng cũng có bệnh nhân phần sừng mọc theo từng điểm. Các vùng khác trên cơ thể bệnh nhân không có thương tổn, bệnh nhân đến viện hoàn toàn tỉnh táo, ăn uống tốt.

Theo TS Sáu, đây là lần đầu tiên viện tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh này. Việc điều trị không khó, cả năm bệnh nhân đến nay đều đã ra viện và không có dấu hiệu tái phát. Hướng điều trị rất đơn giản, chỉ bằng nâng cao thể trạng cho bệnh nhân, cho truyền đường và bôi kem có tác dụng “bào” chống dày sừng và da, bôi kem chống khô da. Tuy nhiên, đây cũng là một căn bệnh khá lạ, đã có bốn trường hợp tử vong ở các gia đình có bệnh nhân, trong đó có một bé tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi.

Báo cáo của Sở Y tế Quảng Ngãi tháng 9-2011 cho thấy sau 49 bệnh nhân phát hiện hồi tháng 5-2011, tháng 8 vừa qua lại có thêm bốn bệnh nhân mới có những dấu hiệu dày sừng bàn tay bàn chân ở khu vực Ba Tơ.

Do người mắc bệnh đều là người dân tộc H’Rê, trao đổi với bệnh nhân để tìm căn nguyên khá khó khăn, nên Bộ Y tế đã giao Bệnh viện Da liễu T.Ư thành lập đoàn công tác vào Ba Tơ xác minh, xem các yếu tố nước ăn uống, môi trường, thực phẩm, thuốc trừ sâu… ở khu vực này, nhằm tìm căn nguyên dẫn đến tình trạng dày sừng lòng bàn tay bàn chân ở Ba Tơ, Quảng Ngãi.

Đoàn công tác bắt đầu làm việc từ đầu tháng 10, do PGS.TS Trần Hậu Khang, giám đốc Bệnh viện Da liễu T.Ư, làm trưởng đoàn. Theo TS Sáu, là chứng bệnh “lạ” nhưng từ thực tế điều trị năm bệnh nhân đến viện,  đây là chứng bệnh không nguy hiểm. Phán đoán ban đầu có thể bệnh nhân bị nhiễm độc (từ nước ăn uống, thực phẩm, môi trường…).

Khô da đậm sắc tố

Cùng lúc này ở Mường Chiềng, tỉnh Hòa Bình có một số bệnh nhân được phát hiện mắc chứng khô da, trên da có những đốm đen (chủ yếu ở vùng da hở), có lúc phần da bị đốm đen sụt xuống thấp hơn so với bề mặt da, tạo thành nhiều sẹo. Nhìn mặt bệnh nhân, người nào cũng nhăn nheo, rúm ró vì những đốm đen và vết sẹo trên mặt.

Theo ông Phạm Văn Hiển, nguyên viện trưởng Viện Da liễu T.Ư, bệnh nhân ở Mường Chiềng mắc chứng khô da đậm sắc tố không phải là bệnh lạ mà là bệnh hiếm gặp.

Bệnh không gây tử vong ngay, nhưng người mắc bệnh cũng không thọ, dễ tử vong khi còn trẻ do người bệnh dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn, dễ bị tác động bởi ánh sáng mặt trời (ánh nắng mặt trời khiến tình trạng bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu, làm bệnh nhân khô da mạnh mẽ hơn và có thể xuất hiện bọng trên da, sau khi bọng xẹp tiếp tục để lại sẹo).

Ông Hiển cho biết bệnh nhân mắc chứng khô da đậm sắc tố đã được phát hiện ở Hòa Bình năm 2007. Đây cũng là bệnh chưa xác định được căn nguyên, nhưng giới y khoa đang đặt giả thiết về một bộ gen nào đó bị “lỗi” ở bệnh nhân do hầu hết bệnh nhân là họ hàng. Ông Hiển cho rằng không có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh nhân khô da đậm sắc tố. Chỉ có thể giảm nhẹ triệu chứng cho bệnh nhân bằng hạn chế đi nắng, bôi kem chống khô da.

Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân đều khó khăn nên ông Hiển cho rằng nếu không có sự tài trợ của các nhà hảo tâm, rất khó có kem ẩm và mềm da cho bệnh nhân do kem mắc tiền mà bệnh nhân thì nghèo, phải sử dụng kem lâu dài!

LAN ANH

Facebook
Twitter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

THÔNG TIN MỘT SỐ BỆNH NHÂN ĐÃ VÀ ĐANG ĐIỀU TRỊ TẠI TRUNG TÂM