Gần đây chị tôi đến phòng mạch bác sĩ gần nhà khám bệnh và xét nghiệm máu. Lúc có kết quả, chị tôi bàng hoàng khi bác sĩ nói chị bị viêm gan siêu vi C và gợi ý lên TP.HCM điều trị.
Tuần sau, chị tôi đến bệnh viện tỉnh khám theo diện bảo hiểm y tế và kết quả xét nghiệm máu là âm tính. Chị tôi vừa mừng vừa lo vì không biết ai đúng ai sai!
Một tuần sau chị tôi lại đến bệnh viện tỉnh xin khám và làm xét nghiệm lại nhưng bác sĩ không chấp thuận. Sau đó chị tôi đến trung tâm y tế dự phòng xét nghiệm lại, kết quả là âm tính.
Xin hỏi với hai lần âm tính thì liệu chị tôi có thể hoàn toàn an tâm chưa? Việc xét nghiệm tìm siêu vi C có phức tạp lắm không và tỉ lệ sai sót là bao nhiêu phần trăm?
THANH VÂN
* TS.BS LÊ MẠNH HÙNG (phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM) trả lời:
– Siêu vi viêm gan B (HBV) và siêu vi viêm gan C (HCV) là những tác nhân nguy hiểm gây bệnh viêm gan, đe dọa sức khỏe và tính mạng người bệnh.
Rất nhiều trường hợp các siêu vi này xâm nhập cơ thể, phát triển rồi gây bệnh trong một thời gian dài nhưng người bệnh không có biểu hiện bất thường, đến khi bệnh gây biến chứng xơ gan, ung thư gan mới biết thì mọi biện pháp cứu chữa đều kém hiệu quả.
Trước đây khi kiểm tra sức khỏe người ta thường quan tâm đến HBV, nhưng hiện nay HCV cũng được ngành y tế khuyến cáo tầm soát do mức độ ảnh hưởng sức khỏe và tính phổ biến trong cộng đồng.
Xét nghiệm dùng để tầm soát nhiễm HCV là xét nghiệm tìm kháng thể anti HCV (được cơ thể sản xuất sau khi bị HCV xâm nhập). Tại các cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu, xét nghiệm test nhanh thường được sử dụng để tầm soát do dễ thực hiện và cho kết quả nhanh.
Tuy nhiên, do độ tin cậy không cao nên test nhanh chủ yếu để sàng lọc, tham khảo, cần được kiểm tra lại trước khi khẳng định chẩn đoán, điều trị.
Vì vậy việc bác sĩ khám và cho chị của bạn làm xét nghiệm anti HCV sàng lọc và khi có kết quả dương tính thì khuyên đến các cơ sở chuyên khoa để được kiểm tra và điều trị là phù hợp.
Tại các cơ sở y tế tuyến cao, chuyên khoa, hiện đại, anti HCV có thể được tìm bằng các xét nghiệm miễn dịch men (enzyme immunoassay: EIA). Cần lưu ý, dù xét nghiệm với kỹ thuật nào cũng có một tỉ lệ nhất định cho kết quả dương tính giả (xét nghiệm dương tính nhưng thật sự không bị nhiễm).
Mức độ tin cậy của các xét nghiệm phụ thuộc nhiều yếu tố: máy móc, quy trình kỹ thuật, hóa chất xét nghiệm, độ nhạy cảm, độ đặc hiệu, tỉ lệ nhiễm HCV trong cộng đồng…
Những xét nghiệm được thực hiện với các thiết bị, quy trình, kỹ thuật hiện đại sẽ giảm thiểu tối đa các yếu tố tác động làm sai lệch kết quả xét nghiệm nên thường được thực hiện trong các trường hợp khẳng định hoặc loại trừ chẩn đoán.
Do có khoảng 15-45% người nhiễm HCV (anti HCV dương tính) tự khỏi nên khi xét nghiệm anti HCV dương tính, cần làm tiếp xét nghiệm HCV RNA xem HCV có còn trong người để điều trị hay đã tự khỏi rồi.
Do xét nghiệm anti HCV của chị bạn tại bệnh viện đa khoa tỉnh và trung tâm y tế dự phòng tỉnh được thực hiện với kỹ thuật test nhanh nên có thể kiểm tra lại bằng kỹ thuật miễn dịch men tại các cơ sở chuyên khoa.
Việc chị bạn đi xét nghiệm tại bệnh viện đa khoa tỉnh theo diện BHYT có kết quả âm tính, muốn làm lại sau một tuần cho chắc nhưng không được chấp thuận là do quy định BHYT.
Khi cần làm xét nghiệm kiểm tra sức khỏe, nên đến những cơ sở xét nghiệm có uy tín, được thẩm định và cấp phép của cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Đối với các bệnh lý chuyên khoa như bệnh viêm gan siêu vi, sau khi có kết quả tầm soát dương tính, người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, theo dõi, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị thích hợp.
L.TH.H. thực hiện