Trên thế giới có khoảng 500 triệu người có vấn đề về bệnh lý mãn tính ở thận. Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức song ước tính có khoảng 5 triệungười bị suy thận (chiếm 6,73% dân số Việt Nam) và hằng năm có khoảng 8.000 ca mắc mới.
Trong đó những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần lọc máu chiếm 0,09% dân số song chỉ 10% trong số đó được lọc máu, 90% còn lại đều tử vong.
Nguyên nhân chủ yếu gây suy thận là do các bệnh lý tại thận, tăng huyết áp và đái tháo đường. Tiến triển của bệnh thận mãn tính dẫn đến suy thận mãn tính, làm mất chức năng thận. Suy thận được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” nên ở giai đoạn sớm, bệnh thường không có triệu chứng. Đặc biệt, nhiều người chỉ phát hiện được bệnh khi đã bị suy thận ở giai đoạn cuối.
Tuy nhiên, một số dấu hiệu thường gặp ở người bệnh là mệt mỏi, chán ăn, da xanh xao, thay đổi khi đi tiểu (tiểu nhiều vào đêm, nước tiểu có bọt, lượng nước tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường và nước tiểu có màu nhợt hoặc màu tối…), phù mặt và chân, buồn nôn…
Suy thận có 5 cấp độ, ở cấp độ 1 – 2 có thể dùng thuốc để duy trì, mức độ 3 – 4 phải lọc máu, mức độ 5 phải ghép thận nếu không sẽ tử vong.
Thận có chức năng quan trọng trong việc lọc sạch máu, điều chỉnh lượng nước cho cơ thể và đóng vai trò điều chỉnh các ion quan trọng như natri, kali. Thận còn tham gia tạo máu, tham gia điều hòa ổn định huyết áp, giúp chuyển hóa xương. Để phát hiện bệnh thận sớm cần đi khám sức khỏe định kỳ. Những người đã mắc bệnh thì cần tuân thủ điều trị để bệnh không tiến triển nặng hơn dẫn đến việc phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.
Người bệnh hãy sử dụng nguyên tắc vàng trong phòng bệnh thận gồm hoạt động thể lực phù hợp, kiểm soát đường huyết, theo dõi huyết áp, có chế độ ăn phù hợp và kiểm soát cân nặng, uống lượng nước thích hợp, không hút thuốc lá, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và kiểm tra chức năng thận nếu có yếu tố nguy cơ.
Đặc biệt, bệnh nhân không tự tiện uống các loại thuốc bắc, thuốc nam vì thuốc chủ yếu là thảo mộc, chứa nhiều kali sẽ làm tăng kali máu. Nhẹ thì nhập viện cấp cứu, nặng hơn thì có thể tử vong bất cứ lúc nào.
Ngoài việc sử dụng thuốc đúng, những người mắc bệnh về thận cần có chế độ ăn hợp lý. Những người mắc bệnh suy thận nên ăn nhạt và chỉ nên dùng muối 1 – 2g/ngày, thậm chí không dùng càng tốt. Không nên ăn nhiều những thực phẩm giàu chất kali. Một số thực phẩm giàu chất kali tập trung ở các loại quả như: đu đủ, mít, chuối, dưa hấu, các loại đậu, khoai tây… Người bệnh cần tăng cường ăn rau xanh, ưu tiên ăn đạm động vật nhưng mỗi ngày không nên ăn quá 150g. Mỗi ngày uống đủ 2 lít nước, tốt nhất là nước lọc và nước chè xanh. Đồng thời, người bệnh phải kiêng ăn cay, nóng, chua, không ăn đồ hộp, đồ ăn sẵn bởi những thức ăn này có hàm lượng muối rất cao.
Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương