Previous
Next

CHUYÊN MỤC

TIN TỨC Y KHOA MỚI NHẤT

Nguy hiểm cần biết khi ăn ốc lạ

Ảnh: Pixabay

Ốc là món ăn được rất nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, ốc có nhiều chủng loại, trong đó có một số chứa độc tố rất nguy hiểm, đặc biệt là ốc biển. Vậy nên, chúng ta cần tránh ăn các loại ốc lạ.

Tử vong vì ăn ốc lạ

Ngày 11/9, 3 ngư dân ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) gồm: N. V. T. (23 tuổi); H. V. N. (21 tuổi) và T. Q. T. (22 tuổi) trong quá trình đi đánh bắt cá tại địa phương đã bắt được một túi ốc biển không rõ loại.

Sau khi cả 3 người ăn xong thì xuất hiện các triệu chứng: Tê môi, tê tay, tê chân, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu. Đến 19 giờ, ngư dân T. có triệu chứng trở nặng, được người dân đưa vào xã Vạn Thạnh và cấp cứu tại phòng khám Đa khoa khu vực Tu Bông. Tại đây, bệnh nhân được xác định đã tử vong trước đó.

Hai bệnh nhân còn lại được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh và sau đó chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Sau khi được điều trị tích cực, hiện tại 2 bệnh nhân đã tỉnh lại.

Cơ quan chức năng cho biết, loại ốc người dân đã ăn nghi là ốc bùn bống, tên khoa học là Nassarius. Ốc bùn bống là loại ốc thường sinh sống ở đáy biển ven bờ Việt Nam.

Trước đó, một số người dân ở Phú Yên, Quảng Ngãi, Khánh Hòa… cũng đã từng phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng ngưng thở, ngưng tim, hôn mê sâu… do ngộ độc khi ăn phải những loại ốc lạ khác.

Cẩn thận khi ăn ốc biển lạ

Đến nay, Việt Nam đã xác định được ít nhất ba loài ốc cối (Conus) chứa độc tố dưới dạng nọc độc có khả năng gây chết người. Một số loài ốc chỉ độc ở bộ phận nhất định (thường là tuyến nước bọt), nhưng có một số loài ốc biển bình thường không hề gây ngộ độc cho người ăn nhưng có thể “đột nhiên” trở nên độc do chúng ăn phải các loài tảo độc và tích lũy trong cơ thể hoặc có khi không rõ nguyên nhân.

Theo các nhà nghiên cứu ở Viện Hải dương học Nha Trang, chất độc của ốc biển thường có 2 loại chính là Saxitoxin (độc tố vi tảo tích lũy trong các sinh vật hai mảnh vỏ, một số loài cua rạn…) và Tetrodotoxin(độc tố cá nóc, mực đốm xanh hay con so…). Độc tố Saxitoxin tích lũy trong các loài ốc mặt trăng (turban), ốc đụn (the top of shells), ốc trám (oliva). Trong khi đó, độc tố Tetrodotoxin lại có trong ốc tù (Charronia sauliae), ốc hương Nhật Bản (Babylonia japonica), ốc tù và gai miệng đỏ (Tutufa lissostoma), ốc bùn (Niotha, Zeuxis), ốc ngọc (Natica và Polinices didyma).

Hai độc tố này đều thuộc loại độc tố thần kinh cực mạnh, có trọng lượng phân tử thấp, do cấu trúc hóa học khá đặc biệt nên độc tố không bị phân hủy, biến tính trong quá trình xử lý, chế biến kể cả ở nhiệt độ cao. Đặc biệt, độc tố vẫn tồn tại và gây ra độc trong thức ăn đã được chế biến, xào nấu hay đóng hộp và cấp đông.

Sau khi ăn phải thực phẩm biển có chứa độc tố Tetrodotoxin hay Saxitoxin, các triệu chứng ngộ độc xảy ra trong vòng 30 phút đến 3 giờ, nạn nhân có cảm giác tê, rát bỏng ở môi và đầu lưỡi. Hiện tượng tê, rát bỏng lan dần đến chân, tay, đôi lúc có kèm đau đầu, đau bụng, đau cánh tay, đi đứng loạng choạng, nôn mửa dữ dội rồi khó thở, hôn mê, hô hấp ngưng trệ do bị tê liệt… Nạn nhân có thể chết sau 30 phút hoặc 8 giờ nếu không được cấp cứu kịp thời.

Đối với các loại ốc chúng ta cần sơ chế kỹ trước khi ăn: ngâm, thả vào nước muối nhạt, nước vôi nhạt hoặc giấm ăn để kích thích ốc đào thải hết cặn bã, chất tiết trong ruột, tuyến bọt. Sau đó rửa lại bằng nước sạch, để ráo. Khi ăn phải đun chín kỹ và ăn ngay sau khi chế biến. Tuyệt đối không ăn sống, ăn tái, ăn mà không qua sơ chế kỹ.

Chúng ta cần hết sức thận trọng, tránh tò mò cầm nắm, đụng chạm vào những loài ốc lạ, màu sắc sặc sỡ… Tuyệt đối không ăn những loài nghi ngờ có độc hay chưa được kiểm chứng an toàn thực phẩm.

Sau khi ăn bất cứ loài ốc biển nào mà bạn cảm thấy có triệu chứng như đã mô tả ở trên, lập tức phải đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ điều trị kịp thời, tránh xảy ra chuyện đáng tiếc.

Nguồn DKN

Facebook
Twitter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

THÔNG TIN MỘT SỐ BỆNH NHÂN ĐÃ VÀ ĐANG ĐIỀU TRỊ TẠI TRUNG TÂM