Ngất là tình trạng mất ý thức và trương lực cơ thể xảy ra trong thời gian ngắn do giảm lượng máu lên não. Ngất có thể đi kèm với tụt huyết áp, giảm nhịp tim, hay có sự thay đổi về phân phối lượng máu trong cơ thể.
Ngất có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng theo các thống kê, người càng lớn tuổi hiện tượng ngất càng dễ xảy ra hơn.
Biểu hiện thế nào?
Tỉ lệ ngất giữa nam giới và nữ giới cũng có sự khác nhau, nữ giới thường ngất nhiều hơn nam giới vì thần kinh tự chủ yếu.
Trước khi xảy ra một cơn ngất, cơ thể sẽ có những dấu hiệu như tối sầm mặt, nhẹ hẫng đầu, chóng mặt, ngủ gà, thờ thẫn, lảo đảo, cảm giác không vững khi đứng, ngất. Tình trạng ngất thường gặp nhất là sau bữa ăn hoặc sau khi gắng sức quá mức. Ngất có thể xảy ra đột ngột nhưng cũng có thể được báo trước bằng một số triệu chứng như nhẹ đầu, buồn nôn và đánh trống ngực. Những triệu chứng này có thể giúp một số bệnh nhân biết trước tình trạng cơ thể của bản thân mà phòng ngừa.
Nguyên nhân gây ngất
Ngất đơn thuần do đối giao cảm: Có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi khi có các yếu tố thúc đẩy như quá xúc động, mệt mỏi, thiếu máu, đứng lâu,… Nạn nhân ngất đơn thuần thường hồi phục ý thức nhanh, có dấu hiệu tỉnh chỉ trong khoảng vài giây hay vài phút;
Yếu tố tim mạch: Xuất hiện cả khi người bệnh đang nằm nghỉ hoặc sau khi gắng sức. Phổ biến ở những đối tượng có tiền sử bệnh tim, bao gồm ngưng tim, rối loạn nhịp tim, hẹp động mạch chủ hoặc động mạch phổi, phình bóc tách động mạch chủ, tăng áp động mạch phổi,…
Mạch máu não: Những trường hợp này thường ngất do đột quỵ, thiểu năng động mạch sống nền, đau nửa đầu migraine, viêm động mạch takayasu, hoặc do xoang cảnh, …
Một số nguyên nhân khác, bao gồm: Hạ huyết áp tư thế, hạ canxi, tăng thông khí, cơn ho dữ dội, yếu tố tâm lý, …
Cần làm gì?
Nếu cảm thấy choáng: Nằm hoặc ngồi xuống nghỉ ngơi cho đến khi tỉnh táo hơn; Nên ngồi trong tư thế cúi gục mặt, đặt đầu giữa hai gối; Không được đứng dậy quá nhanh để giảm nguy cơ ngất xỉu thật sự.
Nếu người khác ngất xỉu cần: Đặt nạn nhân nằm ngửa, đầu thấp hơn chân; Nếu nạn nhân vẫn còn thở và không có thương tích thì cố gắng nâng hai chân cao lên khoảng 30cm, hơn tầm của tim; Nới lỏng thắt lưng, cổ áo và những chỗ quần áo bó sát; Ðặt đầu quay sang một bên để đề phòng hít chất nôn vào phổi hoặc tụt lưỡi vào cổ họng; Kiểm tra nhịp thở của nạn nhân, bắt đầu hô hấp nhân tạo trong trường hợp không thở; Tiếp tục hô hấp nhân tạo cho đến khi xe cấp cứu đến hoặc nạn nhân bắt đầu thở lại; Nếu nạn nhân ngất xỉu do té ngã bị thương, ưu tiên cầm máu hoặc giảm vết sưng phù hợp;
Nếu nạn nhân không tỉnh lại trong vòng tối đa 10 phút, cần gọi cấp cứu ngay lập tức.
Nguồn : Sức Khoẻ & Đời Sống