Trời lạnh làm chậm rối loạn tuần hoàn toàn cơ thể, trong đó có các vị trí khớp, dịch khớp, vận mạch… là nguyên nhân gây đau nhức xương khớp. Vậy ứng phó thế nào?
Triệu chứng sớm của bệnh về khớp là đau khi vận động, mới đầu chỉ đau khi khớp hoạt động, nghỉ sẽ hết đau; sau đó có thể đau âm ỉ, liên tục cả khi nghỉ, đau trội hơn khi vận động.
1. Nguyên nhân đau khớp khi trời lạnh
Đau nhức khớp vào mùa lạnh là do không khí lạnh thâm nhập vào cơ thể qua bì phu bởi các lỗ chân lông, làm cho mạch máu tại các vùng da co lại. Máu đến các khớp xương bị hạn chế hoặc rất ít nên thiếu máu nuôi dưỡng khớp. Các màng hoạt dịch và sụn khớp bị kích thích, gây nên đau nhức. Vì vậy, vào mùa lạnh, để gió lùa, trang phục không đủ ấm, các chứng đau nhức khớp xương rất dễ xảy ra.
Bệnh về khớp thường gặp ở người cao tuổi, sức khỏe yếu, người bị loãng xương, người thừa cân, béo phì cũng tác động xấu đến các khớp chịu lực nhiều như khớp cột sống thắt lưng, khớp gối, khớp cổ chân.
Theo đông y “thông thì bất thống” (khi khí huyết lưu thông sẽ không bị đau), những người bị bệnh đau nhức khớp do phong hàn (lạnh) thì khi xoa bóp, chườm ấm sẽ dễ chịu ngay. Theo phương pháp cổ truyền, một số vị thuốc ngâm trong bình kín với rượu tốt có tác dụng dự phòng và điều trị các chứng đau mỏi gân xương, cơ khớp trong ngày đông giá lạnh.
Chú ý: Các phương thuốc (dược tửu) dùng để xoa bóp tuyệt đối không được uống vì đều có vị thuốc độc bảng A như: Ô đầu, phụ tử, bán hạ…
Cây huyết giác hỗ trợ điều trị giảm đau khớp.
2. Những phương thuốc xoa bóp giảm đau khớp
Bài 1: Khương hoạt 15g, độc hoạt 15g, quế chi 15g, tần giao 15g, đương quy 15g, dây đau xương 15g, nhũ hương 15g, một dược 15g, mộc hương 15g, tang chi 30g.
Cách dùng: Các vị tán vụn, ngâm với 1500 ml rượu trong bình kín, sau 10 ngày là dùng được. Dùng để xoa ngoài khớp hoặc nơi đau, không được uống.
Bài 2: Phụ tử chế 12g, tam thất 6g, bạch chỉ 6g, chế xuyên ô 6g, tế tân 6g, mộc qua 10g, xuyên khung 10g, hồng hoa 10g, cẩu tích 10g, độc hoạt 10g, ngô công 1 con, địa long 3 con, mã tiền tử 2 hạt.
Cách dùng: Các vị tán vụn, ngâm với 500 ml rượu trắng, sau 10 ngày là có thể dùng được. Chỉ dùng để xoa ngoài khớp hoặc nơi đau mà da không có tổn thương, tuyệt đối không được uống
Bài 3: Hồng hoa 12g, đào nhân 20g, xuyên khung 50g, đương quy 50g, thảo ô 20g, hạt tiêu 50g.
Cách dùng: Các vị tán vụn, ngâm với 1000 ml rượu trắng, sau 3-5 ngày là dùng được. Chỉ dùng để xoa ngoài khớp hoặc nơi đau mà da không có tổn thương, tuyệt đối không được uống.
Bài 4: Huyết giác 10g, đại hồi 10g, địa liền 10g, quế chi 10g, hoa chổi xể 10g, lá thông 10g, thiên niên kiện 10g, ấu tầu (ô đầu) 5g, mán chỉ (kim sương) 10g.
Cách dùng: Các vị tán nhỏ, ngâm với 500 ml rượu trắng trong bình kín, mỗi ngày đảo hoặc lắc 1 lần, sau 10 ngày là có thể dùng được. Chỉ dùng để xoa ngoài khớp hoặc nơi đau mà da không có tổn thương, tuyệt đối không được uống.
Vị thuốc huyết giác được đưa vào sử dụng
Bài 5: Hồng hoa 6g, đào nhân 6g, nhũ hương 6g, đương quy 12g, sinh nam tinh 12g, sinh bán hạ 12g, sinh xuyên ô 9g, khương hoạt 9g, độc hoạt 9g, bạch giới tử 3g, băng phiến 3g, tế tân 4,5g, tạo giác 4,5g.
Cách dùng: Các vị thuốc tán vụn, ngâm với 1000 ml rượu trắng trong bình kín, sau 7-10 ngày là dùng được. Chỉ dùng để xoa ngoài khớp hoặc nơi đau mà da tại chỗ không có tổn thương. Tuyệt đối không được uống.
Bài 6: Đương quy 12g, độc hoạt 12g, khương hoạt 12g, thiên niên kiện 10g, hồng hoa 8g, tô mộc 12g, nhục quế 8g, tần giao 12g, huyết giác 12g, ngải cứu 6g, mộc qua 10g.
Cách dùng: Các vị tán vụn, ngâm với 1000 ml rượu trắng, sau 7-10 ngày là có thể dùng được. Chỉ dùng để xoa ngoài khớp hoặc nơi đau, không được uống.
3. Phòng và điều trị đau nhức xương khớp
Tăng cường các kiến thức về sức khỏe, đặc biệt sức khỏe xương khớp.
Vận động, tập luyện, làm việc phù hợp, vừa sức.
Ăn uống dinh dưỡng phải cân bằng.
Tránh thừa cân, béo phì, tránh mang xách nặng, tránh tăng áp lực cho khớp.
Phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý tại hệ thống xương khớp.
Nguồn: Sức Khoẻ & Đời Sống