Nhiễm giun sán có thể gây suy dinh dưỡng, thiếu máu… 3 vị thuốc dưới đây có tác dụng trị giun sán hiệu quả.
1. Sử quân tử, vị thuốc có tác dụng trị giun
Sử quân tử là một loại dây leo tựa vào cây khác hoặc hàng rào. Lá mọc đối, đơn, nguyên, hình trứng, đầu nhọn, phía cuống hơi tròn, hình tim, dài 7-9 cm, rộng 4-5 cm, cuống ngắn.
Hoa hình ống, lúc đầu màu trắng sau chuyển hồng và đỏ, mọc thành chum ở kẽ lá hoặc đầu cành, dài 4-19 cm.
Quả khô, hình trứng nhọn, dài 35mm, dầy 20mm, có 5 cạnh dọc hình 3 cạnh, có chứa 1 hạt dài phía dưới hơi rộng, phía đầu hơi mỏng, có 5 đường sống chạy dọc.
Bộ phận dùng là quả chín hay nhân chín phơi hay sấy khô của cây sử quân tử.
Theo Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS Đỗ Tất Lợi, sử quân tử thường được dùng chữa giun đũa.
Cách dùng: Trẻ em từ 3-5 nhân, người lớn 10 nhân, tối đa 20 gam. 3 giờ sau khi uống hết, nên uống 1 liều thuốc tẩy giun, có thể dùng riêng hay phối hợp với những vị thuốc chũa giun khác như: Binh lang (hạt cau) và thuốc tẩy (đại hoàng).
2. Hạt bí ngô
Hạt bí ngô còn có tên gọi là hạt bí đỏ, nam qua tử… là hạt của nhiều loại bí như bí ngô, bí rợ..
Hạt bí ngô thường được rang ăn trong dịp tết, liên hoan… Tác dụng trị sán tuy không mạnh nhưng không gây độc đối với cơ thể.
Theo Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (GS Đỗ Tất Lợi), hạt bí ngô có thể uống theo một trong hai cách sau đây:
– Cách 1: Bóc hết vỏ cứng của hạt bí ngô, để nguyên màu xanh ở trong. Người lớn dùng 100 gam nhân, giã nhỏ trong cối, thêm vào 50-100 gam mật hay xiro hoặc đường và trộn đều. Ăn vào lúc đói, hết cả liều này trong vòng 1 giờ, nằm nghỉ, 3 giờ sau uống thuốc tẩy muối, đi ngoài trong một chậu nước ấm.
Trẻ em 3-4 tuổi, ăn 30 gam; 5-7 tuổi ăn 50 gam; 7-10 tuổi ăn 75 gam.
– Cách 2: Hạt bí ngô để cả vỏ cứng giã hay xay nhỏ, nước và đun lửa nhẹ hoặc đun cách thủy trong 2 giờ, lọc qua gạc. Hớt bỏ lớp dầu ở trên mặt, có thể thêm đường.
Uống hết trong vòng 20-30 phút vào lúc đói (hôm trước đã tẩy hay thụt), 2 giờ sau khi uống hết, uống một liều thuốc tẩy muối.
Người lớn uống 300 gam hạt để cả vỏ, trẻ em dưới 5 tuổi 50-70 gam; 5-7 tuổi 150 gam (theo cách làm đã nêu).
3. Cây bách bộ
Bách bộ mọc hoang khắp nơi trong nước ta như vùng Hòa Bình, Thái Nguyên, Bắc Kạn…
Bộ phận dùng là rễ phơi hay sấy khô của cây bách bộ.
Mùa thu đông đào củ về rửa sạch hay phơi sấy khô.
Bách bộ để chữa ho, chữa giun và diệt sâu bọ.
– Chữa giun: Ngày uống 7-10 gam, dưới dạng thuốc sắc. Uống vào lúc sáng sớm, khi đói, uống 5 ngày liền, sau đó tẩy.
– Chữa giun kim: Bách bộ tươi 40 gam (bằng 20 gam bách bộ khô), nước 200 ml, sắc sôi nửa giờ, còn độ 30ml. Thụt giữ 20 phút. Điều trị luôn như vậy trong thời gian 10-12 ngày.
Nguồn: Sức Khỏe & Đời Sống