Đau nhức vẫn là mối quan tâm số một của bệnh nhân xương khớp, là điểm cần được ưu tiên điều trị. Nhằm giúp giảm những cơn đau nhức khó chịu này, bạn nên áp dụng các mẹo nhỏ dưới đây.
1. Tập luyện
– Đi bộ: Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa thấp khớp Grange, Bệnh viện Đại học Grenoble (Pháp) khuyên bệnh nhân xương khớp nên đặt mục tiêu đi được 6.000 đến 10.000 bước mỗi ngày. Ông khẳng định: “Tập thể dục là cơ sở của việc kiểm soát bệnh viêm xương khớp”. Bạn có thể sử dụng đồng hồ, điện thoại thông minh để đếm bước đi của mình.
– Tập plank: Nhà vật lý trị liệu Jérôme Auger, đồng tác giả với Giáo sư Francis Berenbaum của Cuốn sách lớn về viêm khớp (NXB. Eyrolles) đưa ra lời khuyên: Cơ bắp khỏe mạnh giúp giảm bớt căng thẳng cho các khớp.
Một cách tốt để tăng cường sức mạnh của xương khớp là tập plank. Plank là một bài tập sức mạnh liên quan đến việc duy trì một vị trí tương tự như hít đất trong thời gian tối đa có thể.
Plank phổ biến nhất là tấm ván cẳng tay được giữ ở tư thế chống đẩy, với trọng lượng cơ thể chịu ở cẳng tay, khuỷu tay và ngón chân. Nằm sấp, bạn đặt mình trên cẳng tay và nhón gót, lưng giữ thẳng.
Đi bộ giúp giảm đau xương khớp.
– Thử nghiệm thái cực quyền: Động tác chậm của thái cực quyền nhẹ nhàng hơn yoga. Nghiên cứu cho thấy bộ môn này làm giảm độ cứng và đau của viêm xương khớp.
– Cân nhắc lựa chọn môn thể thao phù hợp: Nếu đó là các môn bạn yêu thích như quần vợt, bóng chuyền và khiêu vũ. Những môn thể thao này gây nhiều áp lực lên đầu gối hoặc hông, và làm tăng nguy cơ té ngã. Khi bị thoái hóa khớp, bạn nên trao đổi với bác sĩ vật lý trị liệu để tránh một số động tác không phù hợp khi tham gia các môn thể thao này.
2. Dinh dưỡng
– Ăn theo chế độ Địa Trung Hải: Tiến sĩ Grange khuyến khích: “Chế độ ăn này rất giàu chất chống oxy hóa và chất béo tốt”. Nó làm giảm các yếu tố gây viêm, giúp duy trì trọng lượng cân bằng và củng cố các mạch máu cung cấp máu cho các khớp. Chúng ta nên ăn nhiều rau, ngũ cốc nguyên hạt, cá, trái cây và các sản phẩm từ sữa lên men (sữa chua…).
– Bổ sung omega 3: Các axit béo này khi vào cơ thể sẽ sinh ra các phân tử chống viêm giúp làm chậm quá trình thoái hóa khớp và giảm đau. Chúng ta có thể bổ sung các loại thực phẩm giàu omega 3 như cá mòi, cá trích, cá cơm và cá thu, dầu hạt cải và hạt lanh…
Chế độ ăn Địa Trung Hải tốt cho bệnh nhân xương khớp.
– Dùng bông cải xanh: Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Arthritis & Rheumatology Viêm khớp & Thấp khớp đã chỉ ra rằng bông cải xanh rất giàu sulforaphane, một phân tử có khả năng ngăn chặn các enzym liên quan đến cơ chế gây viêm và phá hủy sụn.
– Uống nước ép để thải độc: Kết hợp các loại trái cây và rau quả (cà rốt và chuối; bơ, dưa chuột và táo), những loại nước ép này chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao, giúp chống lại các hiện tượng viêm nhiễm.
– Tăng lượng chất xơ: Một nghiên cứu của Mỹ từ Đại học Tufts (Massachusetts) cho thấy, một chế độ ăn giàu chất xơ có thể giảm 30 đến 60% cơn đau do thoái hóa khớp gối. Trái cây và rau quả cũng như các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt chứa rất nhiều chất xơ.
3. Chăm sóc xương khớp từ sớm và chăm sóc tinh thần
Bạn không thể ngăn chặn quá trình thoái hóa khớp hoặc sửa chữa sụn bị tổn thương, nhưng bạn có thể làm chậm tiến triển của bệnh. Căn bệnh này càng được chăm sóc sớm, từ tiếng kêu cót két và/hoặc đau đớn đầu tiên, thì việc điều trị sẽ càng có kết quả tốt hơn.
Thoái hóa khớp có thể dẫn đến trầm cảm. Tiến sĩ Grange cảnh báo:”Đó là một yếu tố làm trầm trọng thêm bệnh”. Tinh dầu oải hương, dầu thơm St. John’s Wort… liệu pháp mùi hương có thể có hiệu quả đối với bệnh thoái hóa khớp nhưng bệnh nhân cần được tư vấn bởi bác sĩ.
4. Chườm lạnh, châm cứu
Nhà vật lý trị liệu Jérôme Auger giải thích: “Lạnh làm giảm sự dẫn truyền thần kinh của cơn đau”. Vì vậy, bọc đá viên vào khăn, chườm lên vùng khớp bị đau.
Châm cứu giúp giảm đau xương khớp.
Châm cứu giúp giảm đau và xoa dịu tình trạng căng cơ, điều này giúp sử dụng ít thuốc hơn. Tiến sĩ Grange cho biết: “Các nhà nghiên cứu Đức đã công bố một nghiên cứu cho thấy lợi ích thực sự đối với thoái hóa khớp gối hoặc hông của châm cứu”.
5. Chú ý đến nệm
Một chiếc nệm không tốt sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng căng cơ. Trước khi mua nệm bạn nên nằm thử để chọn được loại nệm tốt. Không quá mềm cũng không quá cứng, độ lún vừa đủ để không làm tổn thương các huyệt đạo trên cơ thể.
Nguồn: Sức Khỏe & Đời Sống