Previous slide
Next slide

CHUYÊN MỤC

TIN TỨC Y KHOA MỚI NHẤT

Cà chua – Thực phẩm bổ dưỡng, vị thuốc quý

Cà chua là một thực phẩm rất thân thuộc với mọi người dân trên toàn thế giới. Khoa học đã chứng minh lợi ích của cà chua đối với sức khỏe và tuổi thọ con người. Không chỉ là một thực phẩm ngon, bổ dưỡng, tạo màu sắc đẹp cho món ăn, cà chua còn là một vị thuốc quý chữa bệnh.

1. Đặc điểm thực vật
Cà chua còn có tên gọi là cà dầm. Tên khoa học là Lycopersicum esculentum Mill. Thuộc họ Cà Solanaceae.

Cây cà chua là cây thảo, sống theo mùa. Thân tròn, phân cành nhiều. Lá có cuống dài, phiến lá xẻ lông chim, số lượng thùy không ổn định, thường có răng cưa.

Hoa hợp thành những xim thưa ở nách lá, cuống phủ lông cứng.

Đài 3 – 6 thùy hình mũi mác không dài hơn đài, mặt phủ lông. Nhị 5 – 6, bao phấn dính thành 1 ống bao quanh nhụy, thuôn dần ở đỉnh, mở bằng những kẽ nứt dọc ngắn.

Bầu có 3 hoặc nhiều ô, mỗi ô chứa nhiều noãn. Quả mọng có 3 ô. Hạt dẹt, hình thận.

Do một quá trình trồng trọt lâu đời nên cây cà chua có nhiều biến đổi về hình thái, số lượng các thùy của đài, tràng, bộ nhị có khi 5, 6, 7 có khi 8. Số lượng lá noãn cũng tăng lên nhiều.

Mùa hoa quả: Mùa đông và mùa xuân.

Cây cà chua được trồng ở các châu lục trên thế giới.

Cây cà chua vốn nguồn gốc ở châu Mỹ, hiện nay cà chua được trồng ở hầu hết các châu lục làm thức ăn. Ngoài những giống cà chua nói trên, một số nơi trồng một loại cà chua nhỏ, hình cầu có nơi gọi là cà kiu có tên khoa học Lycopersicum esculenium Mill. var. cerasiforme Alf. vốn thấy mọc hoang dại ở Peru, đảo Ăngti, Texas, Mỹ.

Người ta trồng chủ yếu lấy quả để ăn. Lá dùng làm thuốc và là nguyên liệu chiết tomantin.

2. Cà chua – Thực phẩm ngon, bổ, đẹp mắt
Lá cà chua chứa rất nhiều gluco-ancaloid, trong đó tomatin chiếm thành phần chủ yếu.

Tomatin thủy phân cho 2 phân tử glucoza, 1 galactoza, 1 xyloza và tomatidin. Tomatidin là một genin thuộc nhóm các spirosolanol, đồng phân lập thể của soladulcidin. Một số loài cà chua có hàm lượng tomatin lên tới 5%.

Quả cà chua chứa các chất acid hữu cơ, trong đó acid tactric, xitric, succinic và malic chiếm chủ yếu.

Về giá trị dinh dưỡng, cà chua chứa 77% nước, 0,6% protid, 4% glucid (saccaroza, pectin), 0,7% xenluloza, 0,4% tro. Muối khoáng gồm canxi, phosphor, sắt, các vitamin gồm carotene, vitamin B1, vitamin B2, vitamin PP và vitamin C. Có tác giả còn thấy vitamin P, vitamin K.

Ngoài ra, còn lycopene, xanthophyle và quexcitrozit. Hạt cà chua chứa 25% một loại dầu béo thô, có thể ăn được sau khi tinh chế. Khô dầu hạt cà chua có thể dùng làm thức ăn cho gia súc.

Quả cà chua mặc dù giá trị dinh dưỡng thấp nhưng được toàn thế giới dùng làm thức ăn dưới dạng tươi hay nấu chín. Nước ép cà chua là một loại nước giải khát tươi ở nhiều nước, còn dùng dưới dạng tương, nước sốt, nấu canh…

Cà chua đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Cà chua đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người như cải thiện thị lực, phòng chống ung thư, làm sáng da, hỗ trợ giảm lượng đường trong máu, giúp ngủ ngon, giữ xương chắc khỏe, hỗ trợ trị các bệnh mạn tính, tốt cho mái tóc, giúp giảm cân…

Cà chua ngon ngọt, chứa nhiều chất chống oxy hóa. Cà chua đặc biệt chứa nhiều lycopene, một hợp chất thực vật có liên quan đến việc cải thiện sức khỏe tim mạch, hỗ trợ ngăn ngừa ung thư và chống lại cháy nắng.

Lycopene carotenoid có hàm lượng dồi dào nhất trong cà chua chín. Nó được tìm thấy ở nồng độ cao nhất trong vỏ cà chua. Cà chua càng đỏ thì hàm lượng lycopen càng nhiều.

Các loại thực phẩm khác trong chế độ ăn uống của bạn có thể ảnh hưởng mạnh đến sự hấp thụ lycopene trong cà chua. Sử dụng hợp chất thực vật này kết hợp với chất béo có thể tăng khả năng hấp thụ lycopene lên đến bốn lần.

Nước ép cà chua tốt cho sức khỏe.

3. Cà chua – Vị thuốc quý
Một số người dùng quả cà chua làm thuốc nhuận tràng, chữa sốt, lao phổi. Tại Tây Ban Nha người ta phối hợp quả cà chua với ớt để chữa trĩ, hoặc người ta nấu cà chua với dầu hay mỡ (cho đến khi bốc hết hơi nước) rồi dùng dưới dạng thuốc mỡ bôi lên những nơi mụn nhọt, lở loét.

Đọt cà chua (lá non) được nhân dân dùng đắp mụn nhọt, nơi viêm tấy như sau: Lấy đọt cà chua rửa sạch, giã nát, thêm vào vài hạt muối. Đắp lên nơi mụn nhọt hay viêm tấy, băng lại. Ngày làm một hoặc hai lần cho đến khi khỏi.

Lá cà chua khô được dùng làm nguyên liệu chiết tomatin là một chất kháng khuẩn, chống nấm, chống một số sâu bệnh hại cây trồng (nhưng với một liều nào đó lại có tác dụng kích thích sinh trưởng, ví dụ đối với sâu coleoptile của thóc avoine). Tomatin còn được dùng để bán tổng hợp các hormone steroidic.

Nguồn: Sức Khỏe & Đời Sống 

Facebook
Twitter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

THÔNG TIN MỘT SỐ BỆNH NHÂN ĐÃ VÀ ĐANG ĐIỀU TRỊ TẠI TRUNG TÂM