Đối với những người thi thoảng bị ợ chua có thể khắc phục bằng thay đổi lối sống và các biện pháp điều trị tại nhà…
1. Ợ chua và GERD khác nhau thế nào?
Mặc dù chứng ợ chua (ợ nóng) có liên quan đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), nhưng các thuật ngữ này lại không thể thay thế cho nhau. GERD là một dạng trào ngược mãn tính, nghiêm trọng hơn, trong khi chứng ợ nóng về cơ bản là một triệu chứng của trào ngược axit và GERD.
Do đó, đối với chứng ợ nóng không thường xuyên có thể khắc phục tại nhà mà chưa cần phải dùng thuốc.
Axit trào ngược lên dạ dày gây ợ chua.
2. Các biện pháp khắc phục ợ chua tại nhà
2.1 Không hút thuốc
Chất nicotin trong khói thuốc lá làm giãn cơ vòng thực quản dưới. Hút thuốc lá cũng kích thích sản xuất axit dạ dày. Nếu bạn bị ợ chua, hãy ngừng hút thuốc và tránh hút thuốc lá thụ động.
2.2 Giảm cân nếu thừa cân
Thừa cân hoặc béo phì gây áp lực lên vùng bụng và làm tăng nguy cơ bị ợ chua. Do đó, bạn nên hướng tới chỉ số khối cơ thể khỏe mạnh (BMI) từ 30 trở xuống.
Ngoài ra bất cứ thứ gì chèn ép vào ổ bụng đều có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của thực quản và dẫn đến ợ chua. Bạn có thể nới lỏng dây thắt lưng hoặc mặc quần áo rộng rãi… để khắc phục tình trạng này.
2.3 Tránh thức ăn, đồ uống gây kích thích
Có thể tránh được một số tác nhân gây ợ chua phổ biến bằng những cách sau:
Hạn chế rượu bia: Rượu làm giãn cơ LES (cơ thắt thực quản dưới). Uống rượu cũng có thể gây ra tình trạng ăn uống quá mức, góp phần gây ra chứng ợ nóng.
Tránh thực phẩm ảnh hưởng đến LES: Chúng bao gồm sô cô la, bạc hà, đồ uống có chứa caffein, đồ uống có ga, rượu, thức ăn béo và thức ăn nhiều dầu mỡ hoặc đồ chiên rán.
Tránh thức ăn gây kích thích: Chúng bao gồm trái cây và nước trái cây họ cam quýt, cà chua và các sản phẩm làm từ cà chua, ớt và hạt tiêu đen.
Tạo một chế độ ăn thân thiện với chứng ợ nóng bằng cách ghi nhật ký thực phẩm để ghi lại loại thực phẩm nào an toàn cho bạn và loại thực phẩm nào dễ gây ra chứng ợ nóng.
Hạt tiêu đen có thể gây kích thích tăng nguy cơ mắc chứng ợ chua.
2.4 Điều chỉnh thói quen ăn uống
Ngoài những gì bạn ăn và uống, cách thức và thời điểm ăn cũng có thể gây ra các triệu chứng ợ chua.
Để tránh điều này nên:
- Ăn các bữa ăn nhỏ hơn, thường xuyên hơn.
- Không ăn nhanh.
- Tránh nằm ngay sau khi ăn.
- Tránh ăn vặt vào ban đêm.
- Ăn thực phẩm có đặc tính kháng axit như chuối, trà hoa cúc, sữa tách béo, sữa chua không béo, trà gừng và nghệ.
- Nhấm nháp trà thảo mộc, có thể làm loãng và đẩy axit dạ dày ra khỏi thực quản. Tuy nhiên, tránh trà có chứa caffein.
2.5 Điều chỉnh thói quen ngủ
Gần 80% những người bị ợ chua đều ợ chua vào ban đêm. Bên cạnh việc tránh ăn trước khi đi ngủ, có những cách để tránh trào ngược axit về đêm:
- Nâng cao đầu khi ngủ
- Nằm nghiêng bên trái
- Mặc đồ ngủ rộng rãi
3. Dùng thảo dược
3.1 Nha đam: Nước ép nha đam (lô hội) đã được sử dụng trong y học cổ truyền để điều trị kích ứng thực quản. Tuy nhiên, những người đang dùng thuốc trị đái tháo đường nên tránh dùng lô hội vì có thể làm giảm lượng đường trong máu và gây hạ đường huyết.
Nha đam cũng có thể tương tác với các chất làm loãng máu như coumadin (warfarin) và plavix (clopidogrel), làm tăng nguy cơ dễ bị bầm tím và chảy máu.
3.2 Cam thảo: Là một phương thuốc tự nhiên đôi khi được khuyến khích để làm dịu các triệu chứng của chứng ợ nóng và các bệnh tiêu hóa khác.
Tuy nhiên cam thảo có thể làm tăng huyết áp và gây ra các tác dụng phụ không mong muốn và có thể gây tương tác với một số thuốc như thuốc lợi tiểu, corticosteroid hoặc các loại thuốc làm giảm kali. Dùng chúng cùng với nhau có thể gây ra tình trạng giảm nghiêm trọng kali trong máu (hạ kali máu).
3.3 Baking soda: Còn được gọi là natri bicarbonate, là một chất kháng axit tự nhiên. Hòa tan một thìa cà phê muối baking soda với 236 ml rồi uống có thể giúp trung hòa axit trong dạ dày và tạm thời làm dịu chứng ợ nóng. Các tác dụng phụ bao gồm ợ hơi và đầy hơi.
Natri bicarbonat có thể làm giảm hiệu quả của aspirin và không nên được sử dụng cho những người đang mang thai.
Nguồn: Sức Khỏe & Đời Sống