Toàn bộ cây sen được sử dụng làm thuốc từ lâu đời trong y học cổ truyền với tên thuốc là: Liên nhục (hạt sen), liên tâm (tâm sen), liên phòng (bát sen), liên tu (tua sen), liên ngẫu (ngó sen)…
1. Các bộ phận của cây sen, liều dùng và công dụng chữa bệnh
– Hạt sen dùng điều trị tỳ hư, tiêu chảy mạn tính, di mộng tinh, hồi hộp mất ngủ, cơ thể suy nhược, kém ăn, thận hư đái rắt. Ngày dùng 12-20g, có thể đến 100g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.
– Lá sen chữa chảy máu (đại tiểu tiện ra máu, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da). Ngày dùng 15-20g, sắc nước uống. Ở Trung Quốc, lá sen chủ trị tức ngực có nóng sốt, tiểu tiện ít, đỏ, ho ra máu, kinh nguyệt nhiều. Dùng ngoài, chữa dị ứng với sơn (sắc nước rửa).
– Tâm sen chữa tâm phiền (hâm hấp sốt khó chịu), ít ngủ, tim hồi hộp, huyết áp cao, thổ huyết. Ngày dùng 2-4g dạng thuốc sắc, hãm hoặc hoàn tán, thường phối hợp với các vị thuốc khác.
– Tua sen chữa băng huyết, thổ huyết, di mộng tinh, mất ngủ. Ngày dùng 5-10g, sắc nước uống.
– Gương sen là thuốc cầm máu, chữa đại tiểu tiện ra máu, bạch đới, huyết áp cao. Ngày dùng 15 30g (1 – 2 cái), dạng thuốc sắc.
– Ngó sen là thuốc cầm máu chữa đại tiểu tiện ra máu, chảy máu cam, tử cung xuất huyết. Ngày dùng 12-20g, sắc nước uống.
2. Bài thuốc từ cây sen
2.1. Chữa tiêu hóa kém ở trẻ em, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, phân sống, gầy yếu, phù thũng, vàng da:
Hạt sen 4g, bạch truật 12g (sao tẩm), phục linh 6g, nhân sâm 8g, thục địa 4g, chích thảo 3g, gừng nướng 3 lát, táo ta 2 quả. Sắc uống trong ngày.
2.2. Hỗ trợ chữa sốt xuất huyết:
Lá sen, ngó sen (hoặc cỏ nhọ nồi), rau má, mỗi vị 30g; bông mã đề 20g. Nếu có xuất huyết, tăng thêm cuống, lá, ngó sen lên 40g. Sắc uống ngày 1 thang.
2.3. Thuốc bổ tỳ giúp ăn ngủ ngon, đại tiểu tiện dễ dàng:
– Hạt sen, hà thủ ô đỏ, hoài sơn, ý dĩ, cỏ xước râu mèo, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.
– Hạt sen 16g, sâm bố chính 12g, hoài sơn 12g. Tán bột hoàn viên với mật ong, uống mỗi 20-30g.
2.4. Chữa suy nhược thần kinh:
Hạt sen, thục địa, hoài sơn, tang ký sinh, hà thủ ô đỏ, kim anh, mỗi vị 12g; quy bản, kỷ tử, thỏ ty tử, ngưu tất, đương quy, táo nhân, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.
2.5. Chữa suy nhược cơ thể ở người thiếu máu, phụ nữ sau khi đẻ mất máu:
Hạt sen, sa sâm, mạch môn, kỷ tử, mỗi vị 12g; long nhãn 9g; tâm sen, táo nhân, mỗi vị 8g; đăng tâm 6g. Sắc uống ngày một thang.
2.6. Chữa rong huyết:
Ngó sen 12g, quy bản 24g, mẫu lệ 20g, sinh địa 16g; hoàng cầm, a giao, sơn chi, địa du, mỗi vị 12g; địa cốt bì 10g, cam thảo 4g; Sắc uống ngày 1 thang.
2.7. Chữa tiểu tiện ra máu do viêm nhiễm cấp tính đường tiết niệu:
Ngó sen 12g, sinh địa 20g, hoạt thạch 16g; tiểu kế, mộc thông, bồ hoàng sao, đạm trúc diệp, sơn chi, mỗi vị 12g; chích thảo, đương quy, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
2.8. Chữa chứng hồi hộp, đau lưng mỏi gối, ăn kém, ngủ ít:
Hạt sen 12g, hoài sơn 16g; thục địa 12g; trạch tả, phụ tử chế, táo nhân, mỗi vị 8g; nhục quế 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
2.9. Chữa khí hư:
Hạt sen, đảng sâm, ý dĩ, khiếm thực, mã đề, mỗi vị 16g, bạch truật, hoài sơn, mỗi vị 12g; trần bì 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Nguồn: Sức khỏe và Đời sống