SKĐS – Đông y cho rằng chứng thai động bất an do nhiều nguyên nhân gây nên, nhưng chủ yếu là do khí huyết hư suy, huyết nhiệt với các triệu chứng cồn cào, háo khát, da nóng không có mồ hôi, thai trộn rộn không yên, đi tiểu nóng…
Đối với những triệu chứng nhẹ, có thể theo dõi tại nhà và áp dụng liệu pháp ẩm thực giúp bổ khí huyết an thai.
1. Cháo long nhãn dưỡng huyết an thai
– Nguyên liệu: Long nhãn 30g, gạo tẻ 100g, đường đỏ 30g.
– Giá trị dược lý:
Long nhãn: Vị ngọt, tính ôn, bổ tâm tỳ, ích khí huyết, kiện tỳ vị; có thể hỗ trợ điều trị các bệnh tim đập nhanh, hồi hộp, mất ngủ, giảm trí nhớ, thiếu má mất máu do tỳ hư.
Gạo tẻ: Vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ trung ích khí, kiện tỳ hòa vị, dưỡng tinh trừ phiền, khỏe gân mạnh cốt, chống khát, chống tiêu chảy; có thể chữa chứng tỳ vị bất hòa, tiểu rắt, tiểu tiện khó, tiêu chảy.
Đường đỏ: Vị ngọt, tính ôn có tác dụng bổ tỳ, dưỡng gan, trừ phong, tán hàn, bổ huyết hoạt huyết, khứ ứ giảm đau; có thể dùng trong các trường hợp đau bụng sau khi sinh, ho gió, đau bụng kinh, tắc kinh, sản dịch xuống không hết.
– Cách chế biến: Gạo tẻ vo sạch, để ráo nước. Long nhãn rửa sạch. Cho cả hai thứ vào nồi với một lượng nước vừa đủ, nấu thành cháo, rồi cho đường vào đun hơi sôi lên là được.
– Cách dùng: Ngày ăn 2 lần, vào buổi sáng và tối, lúc bụng đói, ăn liên tục trong 7 ngày.
– Công dụng: Bổ khí ích huyết, an thai; dùng cho người bị động thai do khí huyết suy hư gây nên.
2. Cháo ngải diệp, a giao
– Nguyên liệu: Ngải diệp 12g, a giao 10g, tang kí sinh 12g, gạo tẻ 60g, đường đỏ 20g và một lượng nước vừa đủ.
– Giá trị dược lý:
Ngải diệp: Vị đắng, cay, tính ôn, có tác dụng ôn kinh cầm máu, tán hàn, giảm đau; dùng trong trường hợp chữa chứng rong huyết do hư hàn, kinh nguyệt không đều, lạnh bụng, đau bụng hành kinh, khí hư.
A giao: Vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ âm nhuận phổi, bổ huyết cầm máu, an thai; có thể chữa chứng ho do hư lao, thiếu máu, tim đập hồi hộp, thổ huyết, đại tiện ra máu, rong huyết, kinh nguyệt không đều, dọa sẩy thai.
Tang kí sinh: Vị ngọt, đắng, tính bình, có tác dụng bổ gan thận trừ phong thấp, cường gân cốt, thông kinh lạc, an thai hạ huyết áp; có thể dùng chữa chứng phong thấp, đau nhức chân, lưng, chân dưới tê mỏi, động thai, huyết áp cao, dọa sẩy thai.
Gạo tẻ: Vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ trung ích khí, kiện tỳ hòa vị, dưỡng tinh trừ phiền, khỏe gân mạnh cốt, chống khát nước và tiêu chảy; có thể chữa chứng tỳ vị bất hòa, tiểu tiện khó, tiêu chảy.
– Cách chế biến: Gạo tẻ vo sạch, để ráo nước; a giao làm tan. Cho một lượng nước vừa đủ vào nồi, cho kí sinh, ngải điệp vào sắc đun khoảng 30 phút, lọc bỏ bã, chắt lấy nước.
Cho gạo vào nước thuốc đun thành cháo, rồi cho nước a giao và đường đỏ vào nấu tiếp ít phút là được.
– Cách dùng: Mỗi ngày 1 thang, ăn liên tục 20 thang.
– Công dụng: Bổ khí dưỡng huyết, cố thận an thai. Dùng cho những người bị động thai do khí huyết hư suy.
3. Cháo gạo nếp 7 vị
– Nguyên liệu: Sơn dược 20g, tục đoạn căn 20g, bạch truật 20g, hạt sen 30g, long nhãn 20g, gạo nếp 60g, đường đỏ 20g và một lượng nước vừa đủ.
– Giá trị dược lý:
Sơn dược: Vị ngọt, tính bình, có công dụng ích khí dưỡng âm, bổ phổi; có thể dùng chữa chứng tiêu chảy do tỳ tư, miệng khô họng khát nước, mệt mỏi, tiểu rắt…
Tục đoạn căn: Vị đắng, cay, ngọt, tính hơi ôn, có công dụng bổ thận, điều hòa huyết mạch; dùng trong trường hợp gan thận kém, đau nhức xương cốt, động thai, đau mỏi lưng, gãy xương.
Bạch truật: Vị đắng, ngọt, tính ôn, có tác dụng kiện tỳ ích khí, táo thấp lợi thủy, ngừa mồ hôi, an thai; có thể chữa chứng tỳ khí suy nhược gây chán ăn mệt mỏi, ho nhiều đờm, tay chân phù thũng, động thai.
Hạt sen: Vị ngọt, chát, tính bình, chống tiêu chảy, dưỡng tâm, an thần; có thể dùng trong các bệnh tiêu chảy, kiết lỵ, kém ăn, tim đập nhanh, mất ngủ.
Long nhãn: Vị ngọt, tính ôn, có tác dụng bổ tâm tỳ, ích khí huyết, kiện tỳ vị; có thể chữa các bệnh tim đập nhanh, hồi hộp hoảng hốt, mất ngủ, thiếu máu, ra huyết, mất máu do tỳ hư.
Gạo nếp: Vị ngọt, tính ôn có tác dụng bổ trung ích khí, kiện tỳ noãn vị, ngăn mồ hôi, dưỡng phổi; có thể chữa chứng suy nhược cơ thể, đau bụng, đau lưng, kiết lỵ, nôn do thai nghén, ra mồ hôi.
Đường đỏ: Vị ngọt, tính ôn có tác dụng bổ tỳ dưỡng gan, trừ phong, tán hàn, bổ huyết, hoạt huyết, tán ứ giảm đau; dùng chữa chứng đau bụng sau khi sinh, họ gió, đầu bụng kinh, tắc kinh, sản dịch xuống không hết.
– Cách chế biến: Hạt sen bóc vỏ bỏ tâm, gạo nếp vo sạch để ráo. Cho một lượng nước vừa đủ vào nồi đất, rồi cho sơn dược, tục đoạn căn, bạch truật vào sắc đun khoảng 30 phút, lọc bỏ bã, chắt lấy nước. Cho gạo nếp, long nhãn, hạt sen vào nước thuốc nấu thành cháo, sau đó cho đường đỏ vào, đun tiếp ít phút là được.
– Cách dùng: Mỗi ngày 1 thang, dùng liên tục 20 thang.
– Công dụng: Bổ khí huyết, an thai; dùng cho những người động thai do bị ngoại thương tổn kinh lạc, đau mỏi lưng, âm đạo ra máu, bụng sa chướng.
Nguồn: Sức khỏe và Đời sống