SKĐS – Tỏi là một loại gia vị vừa làm cho món ăn thêm hương vị, ngon miệng… vừa là một vị thuốc quý giúp phòng chữa nhiều bệnh tật.
Công dụng của tỏi
Theo sách ‘Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam’ của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, tỏi có tên khoa học là Allium sativum L.; thuộc họ Hành Alliaceae.
Củ tỏi mà ta vẫn dùng làm gia vị là dò của cây tỏi.
Trong tỏi chứa phần lớn tinh dầu (100kg tỏi chứa 60g-200g tinh dầu). Thành phần chủ yếu của tỏi là allicin, một hợp chất sunfua có tác dụng diệt vi khuẩn rất mạnh đối với vi trùng Staphyllococcus, thương hàn, phó thương hàn, lỵ, vi trùng tả, trực khuẩn sinh bệnh bạch hầu…
Trong đông y, tỏi vị cay, tính ôn, hơi có độc, vào hai kinh can và vị… có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, chữa băng đới (các bệnh liên quan đến phụ khoa), trùng tích (trị giun sán, tiêu tích trệ do ký sinh trùng gây ra ở đường tiêu hóa), tiêu nhọt, hạch ở phổi, tiêu đờm, đầy chướng, đại tiểu tiện khó khăn, tả lỵ…
Cách dùng và liều dùng
Hỗ trợ chữa lỵ amip hay lỵ trực trùng: Lấy tỏi giã nát ngâm với nước sôi để nguội với tỉ lệ 5% hoặc 10%. Ngâm 1-2 giờ lọc qua gạc lấy dung dịch.
Một hai ngày đầu, thụt dung dịch 5% (100ml), sau đó dùng dung dịch 10%. Mỗi ngày thụt một lần, có thể đồng thời uống 6g tỏi chia làm 3 lần, uống trong ngày. Thời gian điều trị 5-7 ngày cho kết quả rất rõ rệt.
Ngoài công dụng chữa lỵ, nước tỏi 10% còn dùng chữa các vết thương có mủ, trị giun kim (thụt phối hợp với lòng đỏ trứng gà), chữa viêm phế quản mạn tính, ho gà, tăng huyết áp (do gây giãn mạch).
Hỗ trợ chữa tăng huyết áp: Ngày uống 20-50 giọt cồn tỏi 1/5 với cồn 60 độ (chia làm 2-3 lần uống). Nếu dùng quá liều, huyết áp sẽ tăng.
Một số bài thuốc hỗ trợ chữa bệnh từ tỏi
DS. Đỗ Bảo (Trung tâm Y tế quận Tây Hồ, Hà Nội) giới thiệu một số bài thuốc hỗ trợ chữa bệnh sử dụng tỏi như sau:
Chữa viêm ruột, kiết lỵ: Tỏi 20g, rau sam 40g, rửa sạch, giã nát, thêm nước sôi để nguội, lọc, thêm đường, uống làm một lần trong ngày.
Hoặc tỏi 15 – 20g, đốt cháy tồn tính, tán nhỏ, uống với nước chè làm hai lần trong ngày.
Chữa bong gân: Tỏi 1 củ, lá và hoa vòi voi 30g, muối ăn 10g. Tất cả giã nát, đắp, băng lại.
Chữa cảm cúm, đau đầu: Một vài nhánh tỏi đập giập nấu với nhiều loại lá thơm như sả, lá bưởi, cúc tần, bạc hà… đến sôi, rồi xông cho ra mồ hôi.
Hỗ trợ chữa sốt rét: Tỏi 6 – 7 củ nửa để sống, nửa nướng chín, giã nát, trộn đều, thêm nước, gạn uống hết trong ngày.
Hỗ trợ chữa ho lâu ngày, khó thở: Tỏi 2 – 3 củ, bóc vỏ, giã đắp vào lòng bàn chân, băng lại trước khi đi ngủ. Hôm sau, tháo bỏ, rửa chân. Tiếp tục đắp thêm 2 – 3 tối.
Chữa đau nhức răng: Đặt một nhánh tỏi lên chỗ răng đau, cắn nhẹ cho nát, để yên khoảng 1 giờ.
Một số nghiên cứu cũng cho thấy ăn tỏi thường xuyên có thể phòng được các bệnh về tim mạch, bệnh dạ dày… Về cách sử dụng tỏi các nghiên cứu cũng khuyến nghị mọi người nên sử dụng tỏi trong bữa ăn hàng ngày với mức độ vừa phải, nhằm tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên cho cơ thể.
Nguồn: Sức khỏe và Đời sống