Hen phế quản là bệnh thuộc phạm vi chứng “Háo suyễn” của Đông y. Gốc bệnh là do mất cân bằng âm dương gây ra.
Hen phế quản thường phát thành cơn, có tiếng “cò cử” hay khò khè khi thở và khó thở ra, thường gặp ở những người có cơ địa dị ứng…
Nguyên nhân gây bệnh theo Đông y: Do bản tạng quá mẫn lại cảm phải ngoại tà; đàm liên quan đến khí và 3 tạng tỳ, phế, thận; thận khí suy thịnh liên quan đến mức độ nặng nhẹ của bệnh…
Người xưa có dạy: “Con người ta chết không phải do bệnh, cũng không phải do mệnh mà do ăn uống vô độ lâu ngày ủ bệnh mà chết”… và chế độ ăn trong điều trị hen phế quản rất quan trọng.
Người bệnh hen phế quản cần chú ý trong dinh dưỡng:
- Tránh các thức ăn dễ gây dị ứng như: Tôm, cua, nhộng tằm…
- Tránh các thức ăn không phù hợp với từng cơ địa khác nhau. Ví dụ: Người không dung nạp được sữa bò (biểu hiện cứ uống sữa bò là bị rối loạn tiêu hóa, uống sữa bò buổi tối hay bị ho về đêm), người dị ứng với một số thức ăn.
Việt Nam có nền Đông y trường tồn và phát triển cùng dân tộc từ hàng nghìn năm nay, đồng thời được thiên nhiên ưu đãi trên 5.000 cây thuốc cho nhiều vị thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, nâng cao thể lực. Nhiều cây thuốc vừa làm vị thuốc vừa làm rau ăn…
Sau đây là một số món ăn bài thuốc giúp phòng và hỗ trợ điều trị hen phế quản:
1. Cây hẹ hỗ trợ điều trị hen phế quản
Tên khoa học: Allium odorum L. thuộc họ hành tỏi Allienceae. Còn có tên là nén tàu, phỉ tử, cửu thái, dã cửu…
Bộ phận dùng: Toàn cây có thể dùng làm món ăn vị thuốc. Trong các bệnh ho hen thường dùng phần cây trên mặt đất lá hẹ sống có tính nhiệt, nấu chín có tính ôn, vị cay, mùi hăng.
Tính vị quy kinh: Quy vào kinh can, vị, thận.
Công dụng: Ôn trung, hành khí, tán ứ và giải độc.
Liều dùng: Lá hẹ tươi 20-30g.
Cách dùng cho trẻ em:
- Lá hẹ hấp với đường phèn trong nồi cơm hoặc đun cách thủy.
- Lá hẹ hấp gừng đường phèn.
- Lá hẹ hấp hoa đu đủ đực và đường phèn.
- Lá hẹ hấp củ nghệ tươi và chanh.
- Các món ăn trứng hấp lá hẹ, canh hẹ…
2. Cây húng chanh
Tên khoa học: Plectranthus amboinicus (Lour.) Spreng. Thuộc họ hoa môi Lamiaceae. Tên thường gọi: Húng chanh, rau tần dày lá, rau thơm lông, dương tử tô.
Tính vị quy kinh: Vị the cay, hơi chua, mùi thơm, tính ấm. Quy kinh can, phế.
Tác dụng: Lợi phế, trừ đờm, giải cảm, thoái nhiệt, tiêu độc.
Công dụng: Chữa cảm cúm, ho, hen, viêm họng, ho ra máu, sốt cao không ra mồ hôi, chảy máu cam.
Liều dùng: Lá tươi 10g -16g.
Cách dùng với trẻ em:
Lấy lá tươi giã nhỏ hấp trong nồi cơm với đường phèn, gạn lấy nước thuốc, uống ngày 2 lần.
3. Vị thuốc bối mẫu
Tên gọi: Tên khoa học: Fritillaria roylel Hook, bối mẫu còn gọi xuyên bối mẫu, triết bối mẫu.
Tính vị quy kinh: Vị ngọt hơi đắng, tính mát, quy kinh tâm và phế.
Tác dụng: Chỉ khái, hóa đàm, thanh nhiệt, tán kết.
Công dụng: Dùng cho các trường hợp viêm khí phế quản, hen phế quản, nóng sốt, ho khan, ít đờm, đờm dính vàng đặc…
Liều dùng: 3g – 10g.
Một số món ăn bài thuốc phòng và trị bệnh hen phế quản có vị thuốc bối mẫu:
– Món lê hấp đường phèn bối mẫu: Lê to 1 quả, xuyên bối mẫu tán bột 3g, đường phèn 6g. Lê gọt vỏ tách bỏ hạt cho vào cùng xuyên bối mẫu và đường phèn hầm chín ăn. Thích hợp cho người ho hen, ho dị ứng, ho ít đờm.
– Cháo bối mẫu: Xuyên bối mẫu 10g, gạo tẻ 50g, đường phèn vừa đủ. Bối mẫu tán mịn, gạo tẻ nấu cháo, cháo chín cho đường phèn vào khuấy tan, cho tiếp bột bối mẫu vào đun nhỏ lửa cho sôi lăn tăn, khuấy đều là được.
Ăn nóng vào bữa sáng và tối. Thích hợp cho người viêm khí phế quản cấp và mạn tính, khí phế thũng.
– Xuyên bối mẫu hạnh nhân ẩm: Xuyên bối mẫu 6g, hạnh nhân 3g. Cả hai thứ đem giã vụn rồi cùng đem nấu với nước trong 40 phút, lọc lấy nước bỏ bã, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng thích hợp cho trẻ em viêm khí phế quản ho kéo dài, ho nhiều về đêm, ho thành cơn mệt mỏi.
Nguồn: Sức khỏe và Đời sống