Cơ thể chúng ta cần cholesterol (chất béo hoặc lipid) để hoạt động bình thường, nhưng có quá nhiều cholesterol xấu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và các vấn đề sức khỏe nguy hiểm khác.
Cholesterol cao thường được gọi là ‘kẻ giết người thầm lặng’ vì nó không có triệu chứng ở giai đoạn đầu, cho đến khi vượt ngoài tầm kiểm soát. Cholesterol cao có thể gây ra các sự kiện khẩn cấp như đột quỵ hoặc đau tim do tích tụ mảng bám trong động mạch.
Nguyên nhân gây ra mức cholesterol bất thường bao gồm lối sống không lành mạnh, chế độ ăn nhiều chất béo; thừa cân và thiếu hoạt động thể chất…
Một số tình trạng sức khỏe như đái tháo đường, bệnh thận, hội chứng buồng trứng đa nang, mang thai và tuyến giáp hoạt động kém… cũng có thể dẫn đến mức cholesterol cao.
Một số loại thuốc như thuốc tránh thai, thuốc lợi tiểu và thuốc chẹn beta cũng có liên quan đến mức cholesterol bất thường…
1. Dấu hiệu cảnh báo cholesterol cao
1.1 Một số dấu hiệu phổ biến của cholesterol cao
- Các vấn đề về tim, bao gồm nhịp tim nhanh và đánh trống ngực
- Huyết áp cao
- Bệnh tiểu đường vượt khỏi tầm kiểm soát
- Đau ngực hoặc đau thắt ngực
- Đau khi đi bộ
- Các triệu chứng của đột quỵ…
1.2 Triệu chứng cholesterol cao ở mắt
Các triệu chứng của cholesterol cao ở mắt có thể dẫn đến sự thay đổi rõ rệt về thị lực ở một mắt, làm cho tầm nhìn bị mờ, gây ra các đường hoặc đốm đen trong tầm nhìn, ảnh hưởng tới thị lực. Cholesterol cao có thể hiện diện trong mắt dưới dạng Arcus Senilis (đục rìa giác mạc xuất hiện dưới dạng một vòng tròn hay vòng cung màu trắng, xám hoặc xanh quanh giác mạc mắt).
1.3 Triệu chứng cholesterol cao ở chân
Sự tích tụ cholesterol trong các động mạch ở chân và bàn chân có thể dẫn đến bệnh động mạch ngoại vi (PAD). Các dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến PAD có thể là đau chân mãn tính khi tập thể dục. Các dấu hiệu khác có thể bao gồm những thay đổi về thể chất ở chân và bàn chân, thường xảy ra ở móng tay và da.
1.4 Dấu hiệu cholesteron ở lưỡi
Một tình trạng sức khỏe ‘kỳ lạ’ được gọi là lưỡi lông, có thể xảy ra khi các vết sưng nhỏ trên bề mặt lưỡi (nhú) trở nên to ra và đổi màu. Tình trạng này có thể xuất hiện khi lượng cholesterol cao.
2. Cholesterol cao nguy hiểm thế nào?
Cholesterol cao có thể dẫn đến một số biến chứng sức khỏe nghiêm trọng như:
- Xơ vữa động mạch
- Bệnh tim mạch vành
- Đột quỵ
- Bệnh mạch máu ngoại vi
- Bệnh tiểu đường
- Huyết áp cao…
Xơ vữa động mạch là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của mức cholesterol cao không được kiểm soát. Nó được đánh dấu bằng tình trạng tích tụ chất béo, cholesterol và các chất khác trong máu và trên thành động mạch quá cao.
Sự tích tụ này sau đó dẫn đến sự hình thành các mảng xơ vữa, làm cho các động mạch bị thu hẹp và cản trở lưu lượng máu… dẫn đến tắc nghẽn tim, đột quỵ và ngừng tim.
Đây là lý do tại sao việc hiểu các dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng này là rất quan trọng. Ngoài ra, do nó là kẻ giết người thầm lặng, hãy đảm bảo rằng bạn đi kiểm tra hàng năm khi cần kiểm tra cholesterol, để có thể biết mức độ của mình và kiểm soát tình trạng trước khi nó vượt khỏi tầm kiểm soát.
3. Các biện pháp khắc phục cholesterol cao
3.1 Bổ sung chất xơ phòng ngừa cholesterol
Yến mạch, táo, mận khô và đậu chứa nhiều chất xơ hòa tan, giúp cơ thể không hấp thụ cholesterol. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, mức độ giảm xuống ở những người dùng thêm 10 gam chất xơ mỗi ngày.
Tuy nhiên, hãy cẩn thận, tiêu thụ quá nhiều chất xơ cùng một lúc có thể gây khó chịu cho dạ dày. Vì vậy, hãy tăng lượng tiêu thụ của bạn dần dần.
3.2 Hoạt động thể chất
Lịch trình bận rộn khiến bạn khó giữ được kế hoạch tập luyện. Bắt đầu mỗi ngày với ít nhất 15 phút tập thể dục; nếu bạn không thể tập vào buổi sáng, hãy đi dạo sau bữa tối hoặc sau bữa trưa.
Cố gắng duy trì tập thể dục thường xuyên, đều đặn…
3.3 Bổ sung omega-3
Axit béo omega-3 có thể tăng cường sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ phát triển bệnh tim và đột quỵ.
Vì vậy, hãy cân nhắc thay thế thịt đỏ, béo bằng các loại cá có dầu (giàu omega-3), chẳng hạn như cá hồi, cá mòi…
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyên nên tiêu thụ hai khẩu phần cá mỗi tuần.
3.4 Hạn chế tiêu thụ một số loại thực phẩm
Các loại thực phẩm là kẻ thù của cholesterol cao là đồ nướng, bơ, các sản phẩm từ sữa nguyên kem, thịt và dầu nhiệt đới… nên hạn chế hoặc tránh dùng.
Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, bỏ hút thuốc và hạn chế uống rượu.
Áp dụng một lối sống lành mạnh sẽ giúp phòng ngừa cholesterol cao. Đối với những người đang phải dùng thuốc trị cholesterol cao, việc thay đổi lối sống chắc chắn sẽ giúp giảm lượng thuốc dùng. Điều này có thể cải thiện đáng kể việc kiểm soát cholesterol cao.
Nguồn: Sức khỏe và Đời sống