Trả lời:
Ăn ba bữa chính gồm sáng, trưa và tối đã được công nhận rộng rãi là mang lại sức khỏe tối ưu. Dù vậy, ngày càng nhiều người cho rằng ăn các bữa nhỏ, gần nhau có thể là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh mạn tính và giảm cân. Những người ủng hộ cho rằng mô hình ăn uống này có thể tăng cường trao đổi chất, ngăn ngừa tình trạng sụt giảm năng lượng, giúp ổn định đường huyết, giảm ăn quá nhiều.
Một nghiên cứu năm 2019 so sánh việc ăn ít hơn ba bữa mỗi ngày hoặc nhiều hơn bốn bữa mỗi ngày, cho thấy ăn nhiều hơn bốn bữa làm tăng cholesterol HDL (lipoprotein mật độ cao) và giảm triglyceride lúc đói hiệu quả hơn. Mức HDL cao hơn liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy để giảm cân, việc ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày không quan trọng bằng nguyên tắc kiểm soát lượng calo nạp vào phải thấp hơn lượng calo tiêu hao.
Như vậy, nhìn chung cả hai mô hình ăn uống đều có lợi, miễn là tiêu thụ thực phẩm lành mạnh và tuân thủ nguyên tắc calo. Một số nhóm nên chia nhỏ bữa ăn, bao gồm người có cảm giác no nhanh, nhu cầu tăng cân, liệt dạ dày, bệnh tiêu hóa như buồn nôn, nôn hoặc đầy hơi.
Một số nhóm nên ăn ít hơn, tập trung vào ba bữa chính, bao gồm người khó khăn trong kiểm soát khẩu phần ăn, người ăn uống vô độ, không có thời gian lên kế hoạch và chuẩn bị nhiều bữa ăn nhỏ bổ dưỡng.
Đặc biệt, người gặp khó khăn trong việc kiểm soát khẩu phần, còn gọi ăn uống theo sở thích, việc tuân thủ ba bữa sẽ có lợi hơn. Chế độ ăn giúp kiểm soát lượng thực phẩm trong một ngày. Chỉ cần loại bỏ các bữa vặt, đồ ăn nhẹ, tổng lượng calo nạp vào sẽ giảm xuống, thấp hơn calo tiêu hao, giúp giảm cân.
Chế độ ăn uống khỏe mạnh bao gồm trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, sữa và các chế phẩm từ sữa ít béo hoặc không béo. Đa dạng nguồn protein, gồm hải sản, thịt nạc và gia cầm, trứng, các loại hạt, sản phẩm từ đậu nành. Áp dụng nhu cầu năng lượng phù hợp thể trạng. Hạn chế đường bổ sung, cholesterol, chất béo dạng trans và chất béo bão hòa.
Bác sĩ Tạ Tùng Duy
Viện Y học ứng dụng Việt Nam