Ăn kiêng kiểu Carnivore, còn gọi ăn toàn thịt (sống hoặc chín), bùng nổ từ năm 2018, khi tiến sĩ Jordan Peterson, ở Canada, nói chế độ này giúp ông giảm 22 kg, đỡ ngáy, vượt qua trầm cảm và bệnh tự miễn dịch.
Tiến sĩ Simon Theobalds, bác sĩ đa khoa tại Pall Mall Medical, Anh, cho biết chế độ ăn này có một số ưu điểm. “Đây còn được gọi là kiểu ăn kiêng toàn thịt, hoặc chế độ không carb (no-carb), một phương pháp ăn kiêng chỉ tiêu thụ các sản phẩm từ động vật, loại trừ tất cả thức ăn có nguồn gốc từ thực vật”, ông giải thích.
Giống với kiểu ăn kiêng keto, Carnivore đòi hỏi người thực hiện chỉ ăn thịt sản phẩm chứa hàm lượng chất béo động vật cao, loại bỏ hoàn toàn chất đường bột và xơ từ rau, bánh mỳ, cơm,… Ưu điểm lớn nhất của Carnivore là cung cấp nguồn protein hoàn chỉnh (lấy từ thịt đỏ), kèm tất cả các axit amin quan trọng, giúp xây dựng và sửa chữa các mô. Nó cũng có thể làm tăng lượng sắt, đặc biệt là sắt heme, thường dễ hấp thụ hơn so với những loại sắt thông thường có nguồn gốc từ thực vật. Sắt rất cần thiết trong quá trình vận chuyển oxy vào máu, hỗ trợ chuyển hóa năng lượng.
“Thịt đỏ cũng là nguồn vitamin B12 tuyệt vời – chất dinh dưỡng chủ yếu có trong các sản phẩm từ động vật. Vitamin B12 quan trọng với chức năng thần kinh, giúp tổng hợp DNA và hình thành các tế bào hồng cầu”, tiến sĩ Theobalds nói.
Thịt đỏ chứa nhiều kẽm, khoáng chất giúp tăng cường chức năng miễn dịch, chữa lành vết thương, bổ trợ cho sự phát triển và sửa chữa của tế bào.
Dù vậy, ăn quá nhiều thịt có thể gây hại cho sức khỏe, giống với những khuyến cáo lâu đời của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Theo ông Theobalds, thịt đỏ, đặc biệt là thịt mỡ, chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.
Tương tự, các loại thịt chế biến sẵn, chẳng hạn thịt xông khói, xúc xích, thịt nguội được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) xếp vào chất gây ung thư Nhóm 1, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Theobalds lưu ý ở nhiều quốc gia, vật nuôi được sử dụng thuốc kháng sinh để thúc đẩy tăng trưởng hoặc ngăn ngừa bệnh tật. Việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong sản xuất thịt góp phần gây tình trạng kháng kháng sinh cả ở người, khiến việc điều trị nhiễm khuẩn trở nên khó khăn hơn.
Dù là nguồn cung cấp dinh dưỡng dồi dào, thịt vẫn thiếu một số vi chất quan trọng, chỉ có trong các nhóm thực phẩm khác, chẳng hạn chất xơ, một số loại vitamin như vitamin C và khoáng chất như kali. Việc chỉ ăn thịt trong thời gian dài có thể dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng và các vấn đề sức khỏe liên quan.
Anna Tebbs, chuyên gia dinh dưỡng và bếp trưởng tại Green Chef, khuyến nghị mọi người thực hiện chế độ ăn uống đa dạng, điều này thúc đẩy đường ruột khỏe mạnh hơn. Theo ông, mục tiêu là kết hợp 30 loại thực vật khác nhau vào thực đơn hàng ngày.
“Ăn nhiều loại rau sẽ đảm bảo bạn cung cấp năng lượng cho các hệ vi sinh đường ruột khác nhau. Chế độ ăn dựa trên thực vật giúp bạn nạp nhiều prebiotic hơn, hỗ trợ lợi khuẩn và có tác dụng kháng viêm”, bà nói.
Theobalds khuyến nghị trước khi thay đổi thói quen ăn uống, hạn chế một nhóm thực phẩm nhất định, bạn nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng uy tín. Họ có thể giúp bạn tạo dựng thực đơn cân bằng, bền vững, phù hợp với mục tiêu sức khỏe.
Thục Linh (Theo Independent)