Ngày 20/8, anh Ngô Đức Thịnh ở xã Đăk Ha, huyện Đăk Glong, cho biết bố anh vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Đăk Nông khám tuần trước, bác sĩ chẩn đoán có một khối u nhỏ trên bàn tay, chỉ định phẫu thuật cắt u. Tuy nhiên, anh Thịnh phải tự mua găng tay vô trùng, dây truyền dịch tại cửa hàng kinh doanh thuốc bên ngoài để cung cấp cho bác sĩ phẫu thuật.
Nhiều bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Chấn thương – Bỏng, như bố anh Thịnh, cũng phải tự mua vật tư y tế mang vào viện. Ngoài găng tay vô trùng, người bệnh còn phải mua ống truyền dịch, bột bó xương gãy, dao mổ, nẹp…
Bà Lê Thị Nhi, Điều dưỡng trưởng Khoa Chấn thương – Bỏng, cho biết khoa đang có khoảng 70 bệnh nhân điều trị. Do thiếu một số vật tư, trang thiết bị, nhân viên y tế đã giải thích với bệnh nhân và người nhà chủ động mua, bệnh viện sẽ phối hợp điều trị. Trường hợp không thể mua sắm vật tư y tế, có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng, bệnh viện sẽ tư vấn, giải thích, hỗ trợ chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế khác để tiếp tục điều trị.
“Có thời điểm, các y bác sĩ phải tự bỏ tiền túi mua găng tay, ống truyền dịch… để phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân”, bà Nhi nói.
Bác sĩ Trần Duy Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đăk Nông, cho biết công tác mua sắm, đấu thầu còn bất cập và sự đứt gãy các chuỗi cung ứng sau thời gian bị tác động của dịch Covid-19 là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Bên cạnh đó, năng lực, chuyên môn về mua sắm đấu thầu của cán bộ, nhân viên đơn vị còn hạn chế.
Theo lãnh đạo bệnh viện, trong năm 2022, bệnh viện có 15 gói thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế trị giá 38 tỷ đồng, song chỉ 5 gói thầu (trị giá khoảng 10 tỷ đồng) được thực hiện. Tuy nhiên, theo quy định đấu thầu mua sắm, một gói thầu sẽ diễn ra khoảng 3-4 tháng. Trong thời gian này, bệnh viện không được đấu thầu các gói khác. Điều đó dẫn tới tình trạng không thể triển khai hết tất cả gói thầu trong một năm.
“Chúng tôi kiến nghị Sở Y tế làm đầu mối thực hiện mua sắm tập trung, qua đó giảm áp lực cho cán bộ, nhân viên cơ sở y tế đồng thời giúp y bác sĩ tập trung, yên tâm thực hiện công tác chuyên môn”, ông Dũng nói.
Hai năm nay tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế xảy ra ở nhiều bệnh viện trên cả nước, chủ yếu do vướng mắc trong quy định đấu thầu mua sắm thuốc. Những khó khăn này đã được Chính phủ từng bước tháo gỡ, bằng cách ban hành nhiều văn bản pháp luật sửa đổi quy định cũ gây vướng. Đến nay tình trạng thiếu gần như đã được giải quyết, trừ một số đơn vị vẫn gặp khó do đặc thù riêng.
Ngọc Oanh