Previous slide
Next slide

CHUYÊN MỤC

TIN TỨC Y KHOA MỚI NHẤT

Đề xuất chuyển bệnh viện thuộc Bộ Y tế cho Hà Nội quản lý

Nội dung này được đưa ra tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), do Đảng ủy khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội phối hợp Sở Tư pháp và ĐH Luật Hà Nội tổ chức, sáng 1/8. Phương án thứ hai là các bệnh viện thuộc Bộ Y tế vẫn giữ nguyên quản lý như hiện tại.

Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị cân nhắc lại nội dung này, bởi việc này là quá sức năng lực quản lý thủ đô, chưa phù hợp với chủ trương phát triển y tế kỹ thuật cao. Theo ông, việc để bệnh viện trung ương cho Bộ Y tế quản lý phù hợp Nghị quyết 30/2022 của Bộ Chính trị. Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tại Hà Nội phải được đầu tư, phát triển ngang tầm các trung tâm chuyên sâu, kỹ thuật cao của khu vực và thế giới.

“Nhiệm vụ này cần bệnh viện trung ương thực hiện. Còn với bệnh viện của Hà Nội, Bộ Y tế cho rằng việc đáp ứng rất khó khăn và phải nói rõ là không thể”, ông Thuấn nói.





Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn. Ảnh: Hoàng Phong

Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn. Ảnh: Hoàng Phong

Thứ trưởng đề nghị TP Hà Nội tính toán lại năng lực quản lý của mình. Hiện, Sở Y tế quản lý 42 bệnh viện công, 43 bệnh viện tư, 579 trung tâm y tế xã phường và gần 3.900 phòng khám đa khoa và chuyên khoa, chưa kể hàng nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh dược, trang thiết bị.

Như vậy, việc tiếp nhận thêm bệnh viện tuyến trung ương là quá sức, đặc biệt trong bối cảnh cán bộ Sở Y tế còn đang rất mỏng. “Đây là nội dung hệ trọng, liên quan chính sách và hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân nên cần được cân nhắc kỹ lưỡng”, ông Thuấn nói.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng bệnh viện trung ương khi thuộc Bộ Y tế sẽ mang thương hiệu quốc gia, thuận lợi cho hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, đặc biệt là công tác chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Sau khi tiếp nhận thành công, các bệnh viện trung ương sẽ chuyển giao cho các bệnh viện tuyến dưới cấp tỉnh, huyện, xã.

Giáo sư Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Y Hà Nội, cũng cho rằng đang có nhiều quan điểm trái chiều về nội dung này của dự thảo. Tuy nhiên, ông nghiêng về phía bàn giao các bệnh viện này cho Hà Nội quản lý. Bởi, Bộ Y tế và các bộ nói chung có chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực chuyên môn được Thủ tướng giao nên việc duy trì các bệnh viện trực thuộc các bộ không phải là điều phổ biến ở các quốc gia.

Bên cạnh đó, các nước phát triển thường chỉ phân định hệ thống y tế công lập và hệ thống y tế ngoài công lập. Ở Việt Nam, Luật Khám, chữa bệnh năm 2023 không còn quy định bệnh viện hạng đặc biệt. Vì vậy, dự thảo cần xem lại sự phù hợp của việc chuyển các bệnh viện tuyến cuối hạng đặc biệt thuộc Bộ Y tế quản lý.

Giáo sư Văn cho rằng chuyển giao các bệnh viện thuộc các bộ, cơ quan nhà nước ở trung ương về TP Hà Nội hoặc các trường đại học y quản lý là phù hợp với thế giới. Tuy nhiên, ông đề xuất nên ưu tiên các trường đại học y trên địa bàn, vì bệnh viện thực hành tại các trường y sẽ là nơi đào tạo ra đội ngũ cán bộ y tế trình độ cao, ứng dụng và chuyển giao công nghệ y tế.

Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10.

Sơn Hà


Sơn Hà

Theo VNexpress

Facebook
Twitter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

THÔNG TIN MỘT SỐ BỆNH NHÂN ĐÃ VÀ ĐANG ĐIỀU TRỊ TẠI TRUNG TÂM