Previous slide
Next slide

CHUYÊN MỤC

TIN TỨC Y KHOA MỚI NHẤT

Nhiễm khuẩn liên cầu sau mổ lợn

Bệnh nhân khởi bệnh với triệu chứng sốt, đau mỏi toàn thân, bác sĩ tại một bệnh viện chẩn đoán nhiễm virus cấp, điều trị ổn định và xuất viện. Sau đó ba ngày, bệnh nhân sốt lại kèm lạnh run, đau đầu tăng dần, tự dùng thuốc giảm đau không đỡ, tình trạng kích thích, la hét.

Ngày 20/9, bác sĩ Nguyễn Thị Trang, Khoa Vi sinh, Bệnh viện Quân y 175, cho biết xét nghiệm chọc dịch não tủy, cấy khuẩn ghi nhận bệnh nhân nhiễm Streptococcus suis (liên cầu lợn).

Liên cầu lợn là vi khuẩn cư trú ở đường hô hấp trên (mũi, họng), đường sinh dục và tiêu hóa của lợn, gây nhiễm trùng nặng ở lợn và có khả năng lây lan cho người.

Thời gian ủ bệnh ngắn từ vài giờ cho đến 2-3 ngày, có trường hợp ủ bệnh vài tuần. Bệnh cảnh phổ biến nhất là viêm màng não với các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, gáy cứng, rối loạn tri giác, xuất huyết dưới da dạng chấm, mảng ở vành tai, mũi, mặt, thân mình…

Trường hợp nặng, bệnh nhân nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu nặng, suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa, hôn mê, tử vong nhanh.

Đường lây chủ yếu do tiếp xúc, sử dụng các chế phẩm từ thịt lợn thiếu an toàn. Người ăn các sản phẩm từ thịt lợn chưa nấu chín như tiết canh, gỏi, nem, nội tạng của lợn nhiễm liên cầu cũng rất dễ bị nhiễm bệnh.

Viêm màng não do liên cầu lợn nếu chẩn đoán, điều trị muộn di chứng nặng nề, gây điếc một hay hai bên vĩnh viễn. Một số bệnh nhân phải điều trị dai dẳng, tái phát nhiều đợt. Tỷ lệ tử vong chung của bệnh khoảng 17%.

Hiện, chưa có vaccine phòng bệnh. Bác sĩ khuyến cáo ngừa bệnh bằng cách mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y, tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Không ăn lợn chết, lợn tái, đặc biệt là tiết canh lợn trong thời gian có dịch.

Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống. Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, dùng riêng cho thịt sống và thịt chín. Rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Không giết mổ, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết phải tiêu hủy đúng cách. Chuồng trại và môi trường chăn nuôi phải phun thuốc sát khuẩn, khử khuẩn.

Lê Phương



Theo VNexpress

Facebook
Twitter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

THÔNG TIN MỘT SỐ BỆNH NHÂN ĐÃ VÀ ĐANG ĐIỀU TRỊ TẠI TRUNG TÂM