Bệnh nhân được mở khí quản đặt canuyn (thiết bị hỗ trợ hô hấp) suốt 13 năm nay. Hai tháng gần đây, cô tự rút Canuyn, dùng tăm bông để tự vệ sinh vị trí mở khí quản. Lần này cô vô tình làm rơi tăm bông vào khí quản.
Ngày 27/9, bác sĩ Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết bệnh nhân suy hô hấp nặng, khó thở dữ dội, thở nhanh trên 40 lần/phút, co kéo cơ hô hấp mạnh, không nói được.
Các bác sĩ gắp dị vật, kiểm soát đường thở bằng đặt ống nội khí quản cỡ nhỏ. Sau đó, ê kíp mở lại khí quản đặt canuyn.

Tăm bông mắc kẹt trong khí quản người phụ nữ được bác sĩ gắp ra. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Mở khí quản là thủ thuật mở một đường thở qua khí quản. Mục đích là khai thông đường thở, tạo điều kiện chăm sóc dễ dàng, tăng hiệu quả hút đờm và chỉ định trong các trường hợp cần thở máy dài ngày. Một số người bệnh có thể phải mang canuyn khí quản thời gian dài sau khi ra viện. Đa phần người bệnh được rút canuyn khi hết chỉ định, phản xạ ho tốt.
Bác sĩ khuyến cáo người mở khí quản đặt canuyn cần thay băng, rửa vết một lần mỗi ngày. Quan sát tình trạng vùng da xung quanh vị trí mở khi thay băng, kiểm tra màu sắc, tính chất đàm nhớt trong ống mở. Che lỗ mở khí quản bằng một miếng gạc ẩm để tránh bụi bẩn và dị vật rơi vào đường thở.
Trường hợp đang điều trị không nên tự vệ sinh hay thực hiện các kỹ thuật đòi hỏi chuyên môn y tế. Khi bị mắc dị vật đường thở, nên đến bệnh viện sớm để cấp cứu, không tự lấy tại nhà.
Thùy An