Ngày 7/11, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển – Uông Bí, cho biết người bệnh đến khám do đau mắt, cộm, nhìn mờ. Sau kiểm tra, ê kíp phát hiện có một con giun trong mắt, dùng dụng cụ chuyên dụng để gắp ra con giun sán dài 10 cm. Bác sĩ vệ sinh mắt và hướng dẫn bệnh nhân thực hiện tại nhà.
Giun sán tồn tại ở cơ thể của một số vật nuôi như chó, mèo, khỉ; có thể lây sang người bằng nhiều cách khác nhau như tiếp xúc hoặc từ phân của vật nuôi (do ruồi làm vật trung gian). Ngoài sống ký sinh trong dạ dày hay ruột người, một số loài giun sán chọn mắt làm môi trường sống. Đối với vật nuôi, trường hợp giun sán sống trong mắt được phát hiện nhiều hơn.
Dấu hiệu nhận biết là mờ mắt kéo dài không rõ nguyên nhân, mờ mắt có tính chất tái đi tái lại. Mờ mắt nhưng không đau, không viêm đỏ, mắt cộm, ngứa mắt, nhìn mờ cảm giác như nhìn qua sương mù, nhìn thấy nhiều bóng đen (hiện tượng ruồi bay). Một số trường hợp có kèm theo dấu hiệu toàn thân như mệt mỏi, mẩn ngứa da, nổi mề đay dị ứng.
Để phát hiện bản thân có nhiễm giun sán hay không, bạn phải làm các xét nghiệm chuyên sâu để phát hiện ấu trùng giun, sán. Tuy nhiên, để phòng ngừa, mọi người cần ăn chín, uống sôi, vệ sinh tay sạch sẽ, vệ sinh môi trường sống xung quanh, tẩy giun định kỳ, hạn chế tiếp xúc chó, mèo.
Thùy An