Previous slide
Next slide

CHUYÊN MỤC

TIN TỨC Y KHOA MỚI NHẤT

Hơn 30.000 đơn vị tiểu cầu được hiến cứu người

Thông tin được TS.BS. Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, cho biết tại chương trình Gặp mặt người hiến tiểu cầu tiêu biểu năm 2023, ngày 18/11. Năm nay, hơn 200 người hiến tiểu cầu tiêu biểu được vinh danh.

“Người hiến tiểu cầu giúp đảm bảo nguồn chế phẩm tiểu cầu phục vụ điều trị bệnh nhân, đặc biệt là giai đoạn dịch sốt xuất huyết cao điểm trong năm nay”, TS Quế nói, thêm rằng hơn 5.000 người đã hiến tiểu cầu từ 10 lần trở lên trong năm.

Tiểu cầu có chức năng cầm máu và đông máu bằng cách tạo những cục máu đông bịt các vết thương ở thành mạch máu. Có nhiều bệnh lý khác nhau liên quan đến rối loạn đông cầm máu, thường là trường hợp nặng, cần truyền tiểu cầu như xuất huyết giảm tiểu cầu, rối loạn chức năng tiểu cầu, suy tủy xương, rối loạn sinh tủy, ung thư máu hoặc các bệnh ung thư di căn đến tủy xương. Nếu tiểu cầu giảm thấp thì gây tình trạng chảy máu và xuất huyết, thậm chí dẫn đến xuất huyết não, người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao.

Khối tiểu cầu là một loại chế phẩm máu rất đặc biệt được sử dụng cho điều trị và dự phòng các biểu hiện chảy máu. Thông thường chế phẩm tiểu cầu gồm hai loại là được điều chế từ máu toàn phần và được gạn tách từ một người hiến. Do chỉ có thời hạn bảo quản và lưu trữ rất ngắn (tối đa 5 ngày), việc tiếp nhận và điều chế tiểu cầu đều phải dựa vào nhu cầu của các bệnh viện.

Khác với hiến máu toàn phần có thể hiến lại sau gần 3 tháng, hiến tiểu cầu chỉ cần đảm bảo khoảng cách 3 tuần. Do đó, một người đủ điều kiện sức khỏe có thể hiến tối đa 17 lần trong năm. Hiến tiểu cầu đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe hơn về cân nặng, số lượng tiểu cầu và thời gian hiến cũng lâu hơn. Toàn bộ quá trình hiến là vòng tuần hoàn khép kín, được thực hiện qua bộ gạn tách riêng để lấy máu, ly tâm, tách tiểu cầu và truyền máu trả lại cơ thể; nên thời gian hiến kéo dài (trung bình 70-90 phút một lần, trong khi hiến máu chỉ mất khoảng 5 phút).

“Nhiều người 15-16 lần hiến tiểu cầu trong năm nay, rất đáng quý”, TS Quế nói, thêm rằng có nhiều người tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu đến 18-20 năm.

Một người tham gia hiến tiểu cầu tại Viện huyết học. Ảnh: Thanh Hằng

Một người đang hiến tiểu cầu tại Viện huyết học. Ảnh: Thanh Hằng

Như anh Nguyễn Huy Hoàng ở Thanh Xuân, Hà Nội, đã hiến máu từ 10 năm trước và nay chuyển sang hiến tiểu cầu. “Khoảng cách các lần hiến tiểu cầu ngắn hơn hiến máu, nên tôi chuyển sang hiến tiểu cầu, mong góp phần cứu sống những người bệnh”, anh cho biết.

Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương là viện chuyên khoa đầu ngành về huyết học truyền máu trong cả nước. Viện đang chịu trách nhiệm cung cấp máu và chế phẩm máu an toàn cho 160 bệnh viện tại 26 tỉnh, thành, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của gần 40 triệu người dân khu vực phía Bắc, tương đương với gần 1/2 dân số Việt Nam.

Lê Nga



Theo VNexpress

Facebook
Twitter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

THÔNG TIN MỘT SỐ BỆNH NHÂN ĐÃ VÀ ĐANG ĐIỀU TRỊ TẠI TRUNG TÂM