Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, khi con người bước sang tuổi 40, bộ não giảm khoảng 5% kích thước và trọng lượng sau mỗi thập kỷ tiếp theo. Kể từ độ tuổi 70, tốc độ lão hóa nhanh hơn nữa, khiến chức năng nhận thức kém. Nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Sleep Health chỉ ra rằng những giấc ngủ ngắn buổi trưa có thể giảm thiểu tình trạng này.
Người thường xuyên ngủ trưa thường trẻ hơn người không có thói quen này từ 2,6 đến 6,5 năm năm về mặt sinh học của não bộ. Tiến sĩ Victoria Garfield, tác giả nghiên cứu, nhận định: “Phát hiện của chúng tôi cho thấy, đối với một số người, giấc ngủ ngắn ban ngày giúp bảo vệ sức khỏe não bộ khi già đi”.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học College London và Đại học Cộng hòa Uruguay đã phân tích kết quả sức khỏe và chức năng nhận thức của những người có thói quen ngủ trưa và người không có thói quen này. Các nhà khoa học sử dụng phương pháp ngẫu nhiên hóa Mendel (sử dụng thông tin di truyền để tìm ra sự ảnh hưởng của một yếu tố lên một yếu tố khác) để thực hiện nghiên cứu.
“Bằng cách xem xét các gene được thiết lập ngay từ khi sinh ra, phương pháp ngẫu nhiên hóa Mendel sẽ loại trừ được các sai số và yếu tố gây nhiễm xảy ra, ảnh hưởng đến mối liên hệ giữa giấc ngủ và sức khỏe nói chung”, tiến sĩ Valentina Paz, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Nghiên cứu cho thấy ngủ trưa có thể là nguyên nhân trực tiếp khiến tổng thể tích não bộ lớn hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chỉ ra điểm hạn chế của công trình. Các tình nguyện viên đều là người châu Âu, da trắng. Như vậy, kết quả này có thể chưa đúng với các chủng tộc khác.
Theo Sleep Foundation, ngủ trưa từ 20 đến 30 phút làm tăng sự tỉnh táo, tâm trạng và trí nhớ, đồng thời giảm căng thẳng và tránh uể oải. Nhiều chuyên gia thậm chí cho biết ngủ trưa có thể khiến bạn trở thành nhân viên tốt hoặc bậc cha mẹ tốt hơn.
Thục Linh (Theo NY Post)