Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi TS.BS Trà Anh Duy, Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men’s Health.
Nguyên nhân
– Theo các chuyên gia, nguyên nhân vôi hóa tuyến tiền liệt hình thành chủ yếu là do bị bít tắc các ống tuyến tiết dịch vào niệu đạo. Chính vì điều đó đã khiến chúng bị nhiễm trùng, chất dịch bị ứ đọng, kết tủa lại và hình thành dạng vôi.
– Ngoài ra, vôi hóa tuyến tiền liệt còn có liên quan đến một số yếu tố khác, bao gồm:
- Viêm đường niệu đạo ở nam giới
- Viêm nhiễm đường niệu đạo (đường tiểu) kéo dài và không được điều trị sớm, có thể dẫn đến các cặn vôi, lắng đọng lại ở tuyến tiền liệt.
- Một thời gian sau, các cặn vôi này sẽ hình thành các nốt vôi hóa hay thậm chí là sỏi tại khu vực này.
- Nam giới mắc những bệnh lý liên quan đến hệ thống sinh sản
- Các bệnh lý có thể là nguyên nhân gây nên vôi hóa tuyến tiền liệt như phì đại tuyến tiền liệt, carcinoma, sau khi mổ khối u phì đại hoặc vôi hóa sau xạ trị ung thư tuyến tiền liệt…
- Đây là các bệnh lý, tình trạng mà nam giới cần lưu ý và phòng ngừa.
- Thói quen sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học:
- Chế độ ăn uống thiếu khoa học như ăn quá mặn, quá cay…
- Vệ sinh thân thể không hợp lý.
- Quan hệ tình dục với tần suất cao, thường xuyên, thiếu an toàn…
Dấu hiệu vôi hóa tuyến tiền liệt ở nam giới
– Bệnh vôi hóa tuyến tiền liệt thường gặp ở nam giới tuổi trung niên, nhất là nam giới từ 50 tuổi trở lên.
– Đa số trường hợp vôi hóa sẽ ít gây ra những triệu chứng khó chịu cho người mắc phải.
– Người bệnh thường được phát hiện một cách tình cờ khi siêu âm hoặc chụp X-quang cho kết quả các nốt vôi hóa tại tuyến tiền liệt. Trong giai đoạn này, vôi hóa tuyến tiền liệt được xem là lành tính và hầu như không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh.
– Tuy nhiên, bệnh lý này khi không được phát hiện sớm để kịp thời điều trị, tình trạng có thể tiến triển xấu gây nên nhiễm trùng tuyến tiền liệt. Lúc này, việc điều trị bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người bệnh.
– Những triệu chứng thường gặp khi tình trạng vôi tuyến tiền liệt trở nặng:
- Đau ở vùng đáy chậu ngay giữa trực tràng và dương vật hoặc đau ở thể hang và bụng.
- Tiểu buốt, tiểu đau, tiểu đêm, tiểu nhiều lần.
- Ở tinh hoàn có cảm giác khó chịu.
- Xuất tinh khó khăn, tinh dịch ít, có cảm giác đau khi xuất tinh.
Điều trị
– Nếu vôi hóa tuyến tiền liệt không có bất cứ dấu hiệu gì, bệnh nhân không cần phải điều trị. Lúc này, bác sĩ có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn tuyến tiền liệt và theo dõi thường xuyên sự phát triển của vôi hóa tuyến tiền liệt.
– Trường hợp bệnh nhân bị viêm tuyến tiền liệt hay đi kèm với bệnh lý khác thì mới cần tiến hành điều trị.
– Hiện nay bệnh vôi hóa tiền liệt tuyến và cách điều trị có thể dùng phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa:
- Điều trị nội khoa:
- Uống thuốc kháng sinh.
- Thuốc tiêm.
- Vật lý trị liệu.
- Điều trị ngoại khoa: Dựa vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp can thiệp ngoại khoa thực hiện bằng cách cắt nội soi hay tiến hành phẫu thuật mổ mở.
Phòng ngừa
– Bổ sung đủ nước cho cơ thể mỗi ngày, khuyến khích uống 2 lít nước/ngày.
– Đảm bảo vệ sinh cá nhân gọn gàng, sạch sẽ, nhất là khu vực cơ quan sinh dục cần được giữ sạch thường xuyên để giảm viêm nhiễm.
– Giảm hoặc từ bỏ thói quen sử dụng rượu, bia, cà phê, thuốc lá và các chất kích thích khác gây hại trực tiếp đến sức khỏe bản thân.
– Đối với những nam giới đã có gia đình, khuyến khích nên duy trì đời sống tình dục đều đặn nhằm hạn chế tắc nghẽn tuyến tiền liệt.
– Thực hiện các hoạt động thể dục mỗi ngày, ưu tiên những môn vận động ở vùng chậu như đi bộ, yoga…
Bệnh nhân cần lưu ý theo dõi tình trạng sức khỏe của mình thường xuyên trong thời gian đang có vấn đề về sỏi tuyến tiền liệt. Việc này giúp nhanh chóng phát hiện những triệu chứng bất thường và kịp thời điều trị sớm bệnh lý.
Mỹ Ý