Thầy thuốc có kinh nghiệm với bệnh tiểu đường thường rất “hãi” căn bệnh này vì những biến chứng nghiêm trọng của nó tới cơ thể như tổn thương tim, thận, mắt…Trong đó hoại tử đầu chi do viêm tắc mạch máu ngoại biên khiến phải chịu cảnh cưa chân vẫn là cơn ác mộng với tất cả người bệnh.
Chữa bệnh tiểu đường, vì thế, không thể tập trung vào mục tiêu hạ đường huyết rồi bỏ sót di chứng của căn bệnh này.
Minh Đức
- PV SGGP thứ bảy: Tại sao tiểu đường lại dễ gây ra những biến chứng tới bàn chân?
-BS LƯƠNG LỄ HOÀNG: Thật ra tiểu đường gây ra những biến chứng tới khắp các bộ phận của cơ thể như tim, thận, não, mắt…Biến chứng nào cũng nghiêm trọng nhưng bàn chân thường là nơi chịu ảnh hưởng trầm trọng nhất do nằm xa tim, lại phải chịu áp lực của trọng lượng cơ thể đè nặng lên nên dễ tắc mạch máu hơn các nơi khác. Hơn nữa, khi bị tiểu đường rất ít người bệnh chú trọng và chăm sóc đúng mức đến bàn chân mình. Vì thế cần chăm sóc bàn chân mình đúng mức nếu không muốn bị cưa chân vì bệnh tiểu đường.
- Liệu có cách nào để giảm số trường hợp phải cưa chân vì bệnh tiểu đường?
Mặc dù thuốc trị tiểu đường, hay nói đúng hơn là thuốc hạ đường huyết, đã tốt hơn xưa rất nhiều nhưng số bệnh nhân phải đoạn chi vì tiểu đường chỉ tăng chứ chưa hề giảm! Con số này đúng cả ở những nước có nền y tế tiên tiến. Thống kê ở Đức cho thấy, số trường hợp phải đoạn chi vào năm 2007 đã tăng gấp đôi so với 5 năm trước đó. Ở Việt Nam, số người bị cưa chân chắc chắn không thể ít hơn. Theo nhận xét của nhiều chuyên gia về bệnh tiểu đường, hơn 50 % số nạn nhân đáng lý có thể tránh được cảnh tàn phế nếu được chẩn đoán sớm và điều trị nội khoa hiệu quả hơn.
- Nhiều bệnh nhân tiểu đường nặng đã phải cưa chân để giữ tín mạng. Vậy đoạn chi có phải là biện pháp an toàn cho người bệnh?
Nếu tưởng mọi chuyện đâu vào đầy sau khi cắt chân thì lầm! Hơn 1/3 bệnh nhân đã tử vong trong vòng 1 năm sau khi đoạn chi. Sau 3 năm thì con số tử vong tăng lên 1/2. Con số này thậm chí tăng lên đến 2/3 trong vòng 5 năm sau khi bệnh nhân rời phòng mổ. Đó là chưa kể đến 50 % người bệnh phải chịu cảnh tàn phế suốt đời sau khi đoạn chi, nếu như may mắn sống sót! Các rối loạn trầm uất( kể cả khuynh hướng tự tử) sau khi bị đoạn chi từ lâu đã vươn xa mức báo động. Cũng đừng tưởng giải phẫu một lần là xong. Mạch máu sẽ tiếp tục bị tắc cao hơn, nhanh hơn nếu không có cách nào” cầm chân” bệnh tiểu đường.
- Có giải pháp nào khả dĩ để hạn chế tình trạng cưa chân ở những bệnh nhân tiểu đường ?
-Không dưới 1/3 bệnh nhân tiểu đường đang sống với nguy cơ đoạn chi, với vết loét không lành. Chỉ có thể giảm số trường hợp đoạn chi nếu bác sĩ đừng quyết định quá máy móc cho tiến hành thao tác ngoại khoa, mặt khác cố gắng xử trí theo hướng bảo tồn. Tuy vậy điều này dường như khó khả thi trong hoàn cảnh thực tế hiện nay của ngành y tế. Do đó chỉ còn giải pháp là tầm soát tiểu đường định kỳ cho người chưa phát hiện bệnh, điều trị toàn diện cho người đã bệnh và kiểm soát biến chứng định kỳ cho người đang điều trị.
– Một phương pháp khá hiệu quả đối với bệnh nhân tiểu đường là phương pháp điều trị bằng Oxy cao áp. Đây là phương pháp điều trị thuyên tắc mạch máu đầu chi bằng dưỡng khí dưới áp lực cao qua liệu trình nhiều ngày và kết hợp với một số dược thảo chọn lọc để bảo vệ thành vi mạch, giữ máu loãng và cải thiện biến dưỡng tế bào. Dĩ nhiên bệnh nhân vẫn được điều trị bằng các loại thuốc hạ huyết trong suốt liệu trình. Kết quả rất khả quan.
- Một liệu trình điều trị bằng Oxy cao áp như thế kéo dài bao lâu?
Với bệnh nào cũng thế, không có chương trình cụ thể áp dụng chung cho tất cả mọi người. Mỗi bệnh nhân là cả một cá thể. Phác đồ điều trị cho mỗi bệnh nhân được xây dựng một cách cá biệt tùy theo kết quả thăm khám và xét nghiệm cận lâm sàng. Ưu điểm của liệu pháp oxy cao áp là hầu như không có phản ứng phụ, không tương tác bất lợi với các phương pháp điều trị khác.
Ngoài ra, liệu pháp này cũng có thể áp dụng cho mục tiêu phòng ngừa, thay vì đợi đến lúc bàn chân đã hoại tử.