Previous slide
Next slide

CHUYÊN MỤC

TIN TỨC Y KHOA MỚI NHẤT

Một người nằm xuống, bốn người hồi sinh

TT – Câu chuyện về gia đình người thanh niên hơn 30 tuổi chết não vì tai nạn đồng ý hiến tạng khiến giám đốc Bệnh viện Việt Đức – PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết – chỉ biết nhắc đi nhắc lại hai chữ “biết ơn”.

Ngày 16-4, hai ngày sau khi được ghép tạng từ người cho chết não, ông T.V.H. (53 tuổi, Hà Nội), bệnh nhân suy gan giai đoạn cuối, đã tỉnh táo, ăn uống được nhưng vẫn phải nằm trong phòng săn sóc đặc biệt.

Có ngược trở lại hành trình điều trị bệnh suy gan nhiều năm qua (có thời gian ông H. ra nước ngoài chữa bệnh) mà bệnh tình mỗi ngày mỗi nặng mới hiểu hết được giá trị của cuộc sống mới ông được nhận. Ghép gan là giải pháp duy nhất để tránh nguy cơ tử vong cho những trường hợp bệnh tình quá nặng như ông H..

Song mong muốn ghép gan ở nước ngoài không hề đơn giản. “Hoặc nhập quốc tịch, hoặc đi chui cũng tốn khoảng 3 tỉ đồng” – đó là thông tin gia đình nhận được sau khi tham khảo qua đủ “trung tâm môi giới”.

Nhưng may mắn đã đến với ông khi đúng thời điểm ông đang điều trị tích cực tại Bệnh viện Việt Đức với hi vọng cực kỳ mong manh thì được nhận tạng từ một người hoàn toàn xa lạ.

Cùng với ông H., một bệnh nhân 58 tuổi, người Hải Phòng, bị suy tim giai đoạn cuối do bệnh cơ tim và hai bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối (một bệnh nhân ở Hà Nội, một từ miền Nam ra) đã có cơ hội trở lại cuộc sống bình thường mà không còn phải nhờ vào máy trợ thở và đủ loại tiêm truyền mỗi ngày.

Bốn ca ghép tạng được thực hiện độc lập cùng lúc từ một người cho chết não đã buộc toàn bệnh viện phải căng hết sức, huy động đến 150 chuyên gia, bác sĩ, nhân viên y tế, đồng thời phải tạm dừng đến 100 ca mổ định kỳ.

Hai ca ghép thận hoàn thành sau hai giờ, ghép tim mất ba giờ và ghép gan căng thẳng đến tám giờ.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết xót xa: “Cả nước có hàng chục nghìn người có nhu cầu ghép thận, hàng nghìn người khác muốn được ghép tim, gan. Tại bệnh viện, riêng bệnh nhân đang điều trị nội trú hằng ngày tại viện có nhu cầu ghép gan, tim có cả chục người, nhu cầu ghép thận thì hàng trăm. Song số người chết não hiến tạng tại bệnh viện đến giờ chỉ đếm chưa hết số ngón trên một bàn tay”.

Bệnh viện Việt Đức mỗi ngày tiếp nhận, điều trị 5-7 ca chết não, nhưng đây mới chỉ là trường hợp thứ tư đồng ý hiến tạng. Không ít lần bệnh viện thuyết phục, gia đình đồng ý, các bác sĩ chuẩn bị đủ thiết bị, người nhận đã sẵn sàng nằm chờ trong phòng phẫu thuật, nhưng rốt cuộc người nhà lại thay đổi ý định vì ý niệm “chết phải toàn thây”.

“Nội tạng là phần mềm, có lấy đi thì xương cốt vẫn vẹn nguyên, nhưng nhiều người vẫn không hiểu” – PGS Quyết nói.

Cũng liên quan đến hiến tạng, thiếu tướng – PGS.TS Hoàng Mạnh An, giám đốc Bệnh viện Quân y 103, cho hay vận động gia đình người chết não đồng ý hiến tạng là bài toán nan giải. Nếu chỉ để các bệnh viện vận động như hiện nay, nguồn hiến tạng từ người cho chết não sẽ rất hạn chế.

“Phải làm được như nhiều nước, có cuộc vận động từ trong xã hội may ra tình hình mới cải thiện” – ông An nói.

Trong khi thực tế chết não nghĩa là máu không lên não được nữa, nhiều khi não đã nhũn, không còn khả năng cứu chữa.

Trường hợp bệnh nhân hiến tạng ngày 14-4 tại Bệnh viện Việt Đức cũng đã được điều trị dài ngày với những phương án chẩn trị tối ưu, chi phí tiền thuốc lên đến 3-4 triệu đồng/ngày nhưng không thể qua khỏi.

“Cho nên người chết não là chết hẳn rồi, rút nội khí quản ra là ngừng thở ngay. Quốc hội đã ban hành Luật hiến ghép mô, tạng; Bộ Y tế cũng đã có những văn bản hướng dẫn dưới luật. Bác sĩ xác định tình trạng của bệnh nhân không chỉ dựa vào những căn cứ của luật mà còn làm thận trọng bằng tâm linh của chính mình nữa” – PGS Quyết khẳng định.

Chỉ đặt mục tiêu 1 ca ghép tim/năm

Ca ghép tim đầu tiên trên người tại VN được thực hiện tại Bệnh viện 103 gần một năm (tháng 6-2010). Do biết được nguồn tạng hiến từ người cho chết não quá hiếm, bệnh viện chỉ dám “rụt rè” đặt mục tiêu thêm một ca ghép tim được thực hiện vào năm 2011, nhưng đến giờ vẫn chưa có ai tình nguyện hiến. Riêng ở bệnh viện, hiện tại thường trực có đến 40 bệnh nhân mong được ghép tim mới có hi vọng không bị tử vong.

NGỌC HÀ

Facebook
Twitter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

THÔNG TIN MỘT SỐ BỆNH NHÂN ĐÃ VÀ ĐANG ĐIỀU TRỊ TẠI TRUNG TÂM