TT – Nếu thấy số ca bệnh tay chân miệng giảm mà chủ quan thì dịch vẫn có thể trở lại. Ông Lê Trường Giang, chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM, nhắc nhở như trên và cho biết:
– Tuy nhiên, thông thường hằng năm có hai đỉnh dịch tay chân miệng. Đỉnh dịch nhỏ vào tháng 4, 5 và đỉnh dịch lớn vào tháng 9, 10. Thế nhưng năm nay đỉnh dịch nhỏ đã chuyển thành đỉnh dịch lớn và khó có thể có một đỉnh dịch lớn nữa vào cuối năm tại TP.HCM.
Tuy nhiên nếu thấy số ca mắc giảm mà chủ quan thì dịch vẫn có khả năng trở lại. Mặt khác, hiện nay bệnh tay chân miệng ở các tỉnh phía Nam vẫn đang ở mức độ cao, cần một thời gian nữa mới có thể giảm. Trong khi đó tại miền Trung, Tây nguyên và miền Bắc, các ca bệnh vẫn trong chiều hướng phát triển.
Bộ Y tế đã nhìn thấy nguy cơ trong những tháng tới đây nên đã chính thức mời và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã gửi chuyên gia qua giúp bộ trong công tác phòng chống dịch bệnh.
* Là người nhiều kinh nghiệm, đồng thời là phó trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Sở Y tế, theo ông, đâu là giải pháp phòng chống dịch lâu dài và bền vững?
– Có một quy luật, khi dịch tay chân miệng xuống thì các dịch bệnh tương tự như rubella, sởi, cúm sẽ tăng. Vì vậy, chúng ta phải phòng thủ cùng lúc tất cả các dịch bệnh. May mắn cho chúng ta là biện pháp rửa tay thường xuyên, vệ sinh hằng ngày và khử khuẩn hằng tuần để phòng chống bệnh tay chân miệng cũng chính là biện pháp cơ bản phòng chống tất cả các bệnh dịch lây truyền trực tiếp (qua tiếp xúc).
Chúng ta cần biến khó khăn và thách thức trong phòng chống tay chân miệng hiện nay thành cơ hội để từng bước thay đổi được ý thức và hành vi của từng người dân, từng gia đình và toàn xã hội để có đủ năng lực tự bảo vệ mình, bảo vệ gia đình và xã hội, phòng ngừa và sẵn sàng đương đầu hiệu quả với mọi dịch bệnh trong tương lai, nhất là đối với những dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm như SARS, cúm A H5N1 và những dịch bệnh khác mà hiện nay chúng ta chưa biết.
* Mục tiêu này có quá khó không, thưa ông?
– Đúng là rất khó vì đòi hỏi chúng ta cùng một lúc phải giải hai “bài toán” quan trọng, nhưng không phải bất khả thi. Thứ nhất, thực hành thói quen rửa tay, vệ sinh, khử khuẩn là những việc không ai có thể làm thay cho từng người dân. Thứ hai, phải làm việc này trong điều kiện xã hội hóa, bởi Nhà nước không thể bao cấp mãi được.
Chỉ riêng lượng Chloramine B phát khu trú cho gia đình có trẻ em dưới 5 tuổi để phòng chống dịch tay chân miệng trong thời gian vừa qua đã lên đến hàng trăm tấn trên cả nước. Nếu phải cấp phát lâu dài cho toàn dân để phòng chống các loại dịch bệnh thì số lượng còn lớn hơn rất nhiều. Chưa kể khi phát cho toàn dân thì vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường vì nhiều người không sử dụng và thải bỏ ra môi trường.
Ngoài ra, cần làm cho người dân thay đổi nhận thức khi mua nước lau nhà là phải “chọn mua những loại dung dịch có tác dụng khử khuẩn”. Trách nhiệm của ngành y tế là cần sớm có những kiểm tra, giám sát các sản phẩm làm sạch và khử khuẩn đang lưu hành trên thị trường để đánh giá, xác định và cung cấp cho người dân đầy đủ thông tin sản phẩm nào đạt chuẩn, có tác dụng khử khuẩn thật sự.
QUỐC NGỌC thực hiện