Ung thư vú là loại ung thư phổ biến ở phụ nữ. Tỉ lệ ung thư vú ở nam giới rất hiếm (chiếm 0,6% tổng số trường hợp ung thu vú). Ở các nước tiên tiến, nếu được phát hiện và điều trị sớm, ung thư vú có tiên lượng tốt với tỉ lệ sống sau năm năm là 86% và sau mười năm là 76%.
Theo các hiểu biết mới về sinh học, quá trình hình thành và phát triển ung thư vú là một quá trình rất lâu dài. Tính từ khi có sự xuất hiện đột biến gen đến khi ung thư vú tiến triển, xâm lấn và phát tán có khi hơn 20 năm. Ngoài ra, ung thư vú là loại bệnh có liên quan mật thiết đến quá trình phát triển của mô tuyến vú qua các mốc phát triển bình thường ở nữ giới như dậy thì, có thai và cho con bú, mãn kinh.
Tế bào tuyến vú liên tục gia tăng về số lượng từ lúc trẻ gái mới sinh, tăng mạnh vào thời điểm trẻ gái dậy thì và mang thai, cho con bú nhờ nội tiết tố estrogen. Quá trình tăng trưởng về số lượng tế bào tuyến vú là cần thiết cho sự phát triển bình thường cho dậy thì và cho con bú. Tuy nhiên quá trình tăng trưởng nhanh tế bào tuyến vú lại làm cơ chế tự sửa chữa các đột biến gen không theo kịp và là nguy cơ cho tế bào ung thư phát triển.
Sau quá trình tăng trưởng về số lượng ở tuổi dậy thì, tế bào tuyến vú đi vào quá trình biệt hóa mạnh trong giai đoạn mang thai và cho con bú để giúp tuyến vú đảm nhận được vai trò tạo sữa nuôi con. Ở những phụ nữ không qua sinh nở đa số tế bào ở mức biệt hóa thấp. Tế bào tuyến vú càng ở mức biệt hóa thấp càng tăng nguy cơ ung thư.
Vậy số lượng tế bào tuyến vú tăng trưởng nhiều và mức độ biệt hóa thấp là các yếu tố gia tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ. Nguy cơ tế bào đột biến gây ung thư vú ở phụ nữ có sinh con cao điểm trong giai đoạn từ lúc dậy thì đến lúc sinh con. Trong khi nguy cơ tế bào đột biến gây ung thư vú ở phụ nữ không qua sinh con kéo dài hơn từ lúc dậy thì đến lúc mãn kinh. Nguy cơ ung thư vú tăng ở phụ nữ sau 50 tuổi, phụ nữ có kinh sớm trước 12 tuổi, mãn kinh trễ sau 55 tuổi và mang thai lần đầu muộn sau 30 tuổi do liên quan đến quá trình tăng trưởng và biệt hóa của tế bào tuyến vú.
Hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, béo phì sau mãn kinh, nhiễm tia xạ, khẩu phần ăn thiếu đa dạng chủ yếu là thịt đỏ, không sinh con, tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú là các yếu tố gây gia tăng nguy cơ ung thư vú.
Ngược lại sử dụng nhiều rau củ, đặc biệt là rau lá xanh đậm hoặc có màu vàng (cà chua, cà rốt, bí đỏ, gấc…) làm giảm nguy cơ gây ung thư vú, đặc biệt là ở những phụ nữ có tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú. Chỉ có rau quả tự nhiên mới có tác dụng, sử dụng chất xơ bổ sung ít có tác dụng bảo vệ. Các chất như flavonoids, isoflavonoids, organosulfur, isothiocyanates…trong rau quả, trà xanh giúp ức chế hoạt hóa các chất gây ung thư, giúp giải độc các yếu tố gây ung thư và tăng cường chỉnh sửa các đột biến gen.
Tăng cường vận động thể lực cũng giúp giảm nguy cơ ung thư vú do nhiều cơ chế, trong đó có cơ chế làm chậm có kinh nguyệt ở trẻ gái, giảm béo phì và giảm các yếu tố gây ung thư.
Để phòng chống bệnh ung thư vú, phụ nữ nên biết tự khám vú, được chụp nhũ ảnh định kỳ theo chỉ định, có chế độ ăn uống và vận động hợp lý, phòng chống béo phì.
ThS.BS TRẦN QUỐC CƯỜNG (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)