Previous slide
Next slide

CHUYÊN MỤC

TIN TỨC Y KHOA MỚI NHẤT

Uống cà phê lợi hay hại?

Uống cà phê có hại hay có lợi là câu hỏi xưa nay được nhiều người quan tâm, nhiều nghiên cứu đã công bố nhưng chẳng mấy câu trả lời thỏa đáng. Thật ra chuyện lợi hay hại phải nhìn từ góc độ nào của nghiên cứu…

Mỗi tách cà phê sáng đem lại sự sảng khoái, lợi hay hại còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố
Mỗi tách cà phê sáng đem lại sự sảng khoái, lợi hay hại còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố

Tin ai đây?

Đối với nhiều người, cà phê là thứ giúp họ tỉnh táo mỗi buổi sáng nhờ hiệu ứng kích thích của chất caffeine. Ngoài ra, một số chất có trong hạt cà phê như chất chống oxy hóa được xác định là giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư da, Alzheimer’s, bệnh tim và tiểu đường. Mới đây, một nghiên cứu của Trường Y tế công Harvard cho thấy tỉ lệ tự sát ở những người uống từ hai đến bốn ly cà phê mỗi ngày thấp hơn nhiều so với những người không uống cà phê.

Không may là sau mỗi công bố về lợi ích của cà phê là những nghiên cứu khác phản ánh các tác động tiêu cực của nó đối với sức khỏe. Trong một nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí Mayo Clinic Proceedings, các chuyên gia đã theo dõi 45.000 người thường xuyên uống cà phê. Kết quả cho thấy những người dưới 55 tuổi, uống từ 28 ly cà phê mỗi tuần có nguy cơ chết sớm cao hơn 21% so với những người uống ít cà phê hơn. Tuy nhiên, những người nghiện cà phê trên 55 tuổi lại không cho thấy tăng nguy cơ tử vong sớm.

Trên thực tế, những người nghiện cà phê nặng thường không khỏe mạnh và hút nhiều thuốc lá – hai yếu tố dẫn tới nguy cơ chết sớm. Nhưng kể cả khi các nhà khoa học loại bỏ hai yếu tố này thì mối quan hệ giữa cà phê và nguy cơ chết sớm vẫn tồn tại. Vậy thì mỗi ly cà phê buổi sáng là liều thuốc bồi bổ sức khỏe hay liều thuốc độc?

Cần một nghiên cứu toàn diện

Câu trả lời phụ thuộc vào cách các nghiên cứu được thực hiện và loại cà phê cũng như người uống. Một số nghiên cứu trong quá khứ không điều chỉnh các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả ngoại trừ việc cà phê có thể ảnh hưởng đến những hậu quả như cái chết, tỉ lệ mắc bệnh ung thư hay ảnh hưởng đến nhận thức.

Ví dụ, một nghiên cứu năm 1981 cho thấy cà phê có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy. Nhưng các phân tích khác lại cho thấy mối quan hệ ngược lại. Các phân tích sau này kết luận rằng những kết quả mâu thuẫn trên xuất phát từ việc một số nghiên cứu không tính đến những yếu tố ảnh hưởng như thuốc lá. Một số khác bị sai lệch số liệu.

Tác động của cà phê đối với cơ thể cũng thay đổi theo thời gian và các nghiên cứu thường không tách riêng những ảnh hưởng khác nhau của cà phê đối với sức khỏe người tham gia dựa trên độ tuổi của họ. Ảnh hưởng lâu dài của cà phê đối với người nghiện trong nhiều năm có thể khác với ảnh hưởng ngắn hạn do các tế bào trở nên quen với hóa chất trong cà phê.

Ví dụ, uống cà phê thường xuyên trong một thời gian dài, từ bốn ly mỗi ngày, giúp giảm 50% nguy cơ nhiễm tiểu đường loại 2. Nhưng tác động của việc uống cà phê ít hơn mức này thì không rõ ràng. Một số nghiên cứu cho thấy cà phê không lọc làm tăng tỉ lệ cholesterol trong khi cà phê lọc giấy thì không. Nhưng phần lớn các nghiên cứu về ảnh hưởng của cà phê không tính đến yếu tố này.

Việc xác định cà phê có lợi hay có hại cho sức khỏe thực chất là việc hiểu rõ sự cân bằng của các nguyên liệu có trong mỗi ly. Chất chống oxy hóa trong cà phê giúp bảo vệ trái tim và chống bệnh tiểu đường. Nhưng các lợi ích này cần được cân đối với nguy cơ bị kích thích quá mức mà chất caffeine có thể gây ra.

“Cà phê chứa hàng trăm chất, bao gồm caffeine, khoáng chất, vitamin B3… Nhưng sự có mặt của các chất này có thể thay đổi do các hạt cà phê khác nhau, cách rang và pha chế khác nhau. Tất cả đều có thể dẫn tới những tác động khác nhau đối với sức khỏe” – bác sĩ Robert van Dam thuộc Trường Y tế công Harvard cho biết.

“Hơn nữa, tác động của cà phê đối với mỗi người cũng có sự khác biệt. Cơ thể của chúng ta có khả năng thích ứng với nhiều thành phần trong cà phê, bao gồm caffeine, do đó phản ứng của mỗi người có thể thay đổi theo thời gian – bác sĩ van Dam cho biết – Vì vậy, việc uống cà phê với mức nào mà không phải chịu các tác dụng phụ khó chịu tùy thuộc vào từng người”.

SƠN HÀ – NGUYỄN TRUNG (Nguồn: Time Health & Family)

Facebook
Twitter

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

THÔNG TIN MỘT SỐ BỆNH NHÂN ĐÃ VÀ ĐANG ĐIỀU TRỊ TẠI TRUNG TÂM