Theo nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ, bằng cách kiểm tra các thay đổi ở gene, họ có thể biết một người bị ung thư 13 năm trước khi họ thực sự mắc bệnh.
Nghiên cứu do các nhà khoa học ĐH Harvard và ĐH Northwestern thực hiện và vừa được đăng tải trên tạp chí EBioMedicine.
Theo đó, các nhà khoa học đã theo dõi 792 người trong 13 năm, tất cả họ lúc đầu đều khỏe mạnh và không ai bị ung thư.
Sau 13 năm, 135 người trong số này được chẩn đoán mắc ung thư, có người bị ung thư tuyến tiền liệt, người bị ung thư da, ung thư phổi và ung thư máu…
Khi so sánh kết quả kiểm tra telomere – những cấu trúc đặc biệt giống như “mũ bảo vệ” nằm ở cuối nhiễm sắc thể và có nhiệm vụ bảo đảm sự bền vững của nhiễm sắc thể – của 792 người này, các nhà khoa học phát hiện ở những người bị ung thư, telomere bị lão hóa sớm 13-15 năm so với bình thường, biểu hiện ở độ dài của telomere rất ngắn.
Quá trình lão hóa này diễn ra nhiều năm, và đột ngột dừng lại khoảng 3-4 năm trước khi bệnh tiến triển.
“Chúng tôi phát hiện ung thư đã tấn công làm ngắn telomere để phát triển mạnh trong cơ thể người bệnh”, GS.TS Lifang Hou thuộc ĐH Northwestern nói, RT ngày 3-4 trích đăng.
Các nhà khoa học nói phát hiện trên có ý nghĩa quan trọng do có thể giúp bệnh nhân được dự báo mắc ung thư kịp thời điều chỉnh lối sống nhằm kéo giảm nguy cơ bệnh tiến triển.
Với giới khoa học, phát hiện trên cũng sẽ mở đường cho việc tìm ra phương pháp mới điều trị ung thư bằng cách làm chậm lại quá trình ngắn đi của telomere.
Họ cũng có thể tìm ra loại thuốc mới để điều trị ung thư mà không gây tổn hại các tế bào khỏe mạnh, tuy nhiên trước khi làm được điều này, họ cần làm rõ tế bào ung thư đã tấn công các telomere như thế nào.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong năm 2012 có hơn 14 triệu người được chẩn đoán bị ung thư, với hơn 8 triệu người chết vì căn bệnh này.
T.VY