Nếu bạn có bất kỳ biểu hiện thiếu chất dinh dưỡng nào như dưới đây, hãy làm theo các lời khuyên để cải thiện sức khỏe.
Móng tay giòn và dễ gãy
Khi cơ thể bị thiếu sắt, bạn sẽ trở nên yếu hơn và xanh xao. Thiếu sắt cũng có thể biểu hiện bằng tình trạng móng tay, móng chân trở nên giòn và dễ gãy, da dẻ xanh xao. Những phụ nữ bị ra máu nhiều trong chu kỳ kinh nguyệt có nguy cơ cao bị thiếu sắt.
Khắc phục: Phụ nữ trong độ tuổi tiền mãn kinh cần 18mg sắt/ ngày; nam giới và những phụ nữ sau mãn kinh cần 8mg/ ngày. Sắt có nguồn gốc động vật (như thịt, gia cầm, hải sản) dễ hấp thu nhất. Nguồn sắt từ thực vật như các loại rau có lá xanh, khi sử dụng cùng với các thực phẩm chứa vitamin C như cam, quýt làm tăng khả năng hấp thu vào cơ thể.
Huyết áp cao
Bạn có thể đang bị thiếu vitamin D. Nghiên cứu cho thấy các vitamin tan trong dầu (vitamin A, D, E, K) có tác dụng giảm huyết áp; vì vậy, nếu thiếu chúng sẽ tăng khả năng bị huyết áp cao.
Khắc phục: Người lớn cần 600 UI vitamin D mỗi ngày. Vitamin D khó có thể cung cấp đủ nhờ chế độ ăn. Một vài loại thực phẩm giàu vitamin D như cá hồi, sữa có bổ sung vitamin D, nước cam; ánh nắng mặt trời giúp làm tăng chuyển hóa vitamin D. Phụ nữ sau mãn kinh và nam giới lớn tuổi có thể sử dụng những sản phẩm bổ sung vitamin D như vitamin D3, là một dạng hoạt động của vitamin D.
Huyết áp thấp
Huyết áp thấp có thể là triệu chứng của thiếu vitamin B12 – một loại vitamin tan trong nước có thể ảnh hưởng đến chức năng của hệ thống thần kinh, ngăn ngừa tăng huyết áp. Những triệu chứng khác của thiếu vitamin B12 bao gồm dáng đi không vững, yếu cơ và khó kiểm soát chức năng bàng quang.
Khắc phục: Người lớn cần 2,4 mcg vitamin B12 mỗi ngày. Những thực phẩm giàu vitamin B12 bao gồm nghêu, cá hồi, thịt bò, trứng và sữa. Nếu sử dụng các thực phẩm bổ sung B12 cho người lớn tuổi, bạn nên sử dụng loại ngậm dưới lưỡi vì đường uống có thể khó hấp thu vì độ axit dạ dày thấp.
Chuột rút
Cơ thể của bạn cần ion kali để phát triển cơ. Thiếu kali có thể gây chuột rút, thường xuất hiện ở cẳng chân. Thiếu kali hiếm khi gây ra bởi một chế độ ăn bị thiếu hụt; nó thường do mất mồ hôi quá nhiều, ỉa chảy, nôn hoặc thiếu dịch.
Khắc phục: Bạn cần 4.700 mg kali mỗi ngày, nguồn cung cấp có thể từ khoai tây ngọt, chuối, lê và nước dừa.
Mệt mỏi
Thiếu vitamin C có thể gây ra mệt mỏi, dễ cáu kỉnh, đặc biệt hay gặp ở những người hút thuốc lá và những người hút thuốc thụ động. Theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Mỹ, những người hút thuốc lá có nguy cơ bị thiếu vitamin C cao gấp 3 lần những người không hút.
Khắc phục: Phụ nữ cần 75 mg vitamin C mỗi ngày, nam giới cần 90 mg, và những người hút thuốc lá thì cần thêm 35 mg. Cam quýt, dưa đỏ, ki-wi, dứa, cà chua, rau cải, ớt chuông là các thực phẩm cung cấp nhiều vitamin C.
Giảm sản xuất hoóc-môn tuyến giáp
Bạn chỉ có thể xác định được sự giảm sản xuất hoóc-môn tuyến giáp (hay còn gọi là suy giáp) thông qua xét nghiệm. Sự thiếu hụt i-ốt có thể gây ra tình trạng này, đặc biệt nếu nó xảy ra ở phụ nữ có thai có thể dẫn đến xảy thai và nhiều vấn đề khác.
Khắc phục: Hầu hết người lớn cần 150 mcg i-ốt mỗi ngày, ở phụ nữ có thai cần nhiều hơn (220 mcg). Nếu bạn nấu ăn bằng muối hoặc ướp bất kỳ loại thực phẩm nào, hãy sử dụng các loại muối có chứa i-ốt. Hải sản và các sản phẩm từ sữa cũng cung cấp nhiều i-ốt.
Bạn bị gãy xương gần đây
Nếu bạn thiếu canxi, bạn có nguy cơ bị mất xương và tăng khả năng bị loãng xương, gãy xương. Xương chắc khỏe nhất xung quanh tuổi 30, sau đó chúng bắt đầu mất canxi. Đó là lý do cần bổ sung một lượng canxi phù hợp, bên cạnh những hoạt động vừa phải như đi bộ, thể dục nhịp điệu.
Khắc phục: Nam giới và phụ nữ trong độ tuổi tiền mãn kinh cần 1,000 mg canxi mỗi ngày, phụ nữ sau mãn kinh cần 1.200 mg. Nguồn cung cấp nhiều canxi bao gồm các sản phẩm từ sữa (sữa chua, váng sữa, phô-mai), các loại rau có lá xanh sẫm…
Nứt nẻ môi
Mặc dù không phổ biến nhưng thiếu vitamin B6 có thể gây ra nứt nẻ môi hoặc viêm lưỡi, thậm chí là trầm cảm và lú lẫn. Nguồn dự trữ nhỏ lượng vitamin B6 của cơ thể có thể cung cấp trong vài tuần, vì vậy triệu chứng chỉ biểu hiện khi cơ thể khá cạn kiệt. Một số loại thuốc tránh thai đường uống, corticoid, thuốc chống co giật có thể ảnh hưởng đến lượng vitamin B6.
Khắc phục: Trước tuổi 50, cơ thể cần 1,3 mg B6 mỗi ngày, phụ nữ lớn tuổi cần 1,3 mg, nam giới lớn tuổi cần 1,7 mg. B6 chứa nhiều trong đậu xanh, cá ngừ, cá hồi, ngũ cốc, chuối… Mặc dù vậy, sự thiếu hụt B6 thường được bổ sung theo chỉ định của bác sĩ với liều 50-100 mg/ ngày.
Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam