Previous slide
Next slide

CHUYÊN MỤC

TIN TỨC Y KHOA MỚI NHẤT

Tháng 10-2021, Việt Nam có vắc xin ngừa COVID-19?

Trong số 163 nhà sản xuất vắc xin khắp thế giới đang nghiên cứu, phát triển vắc xin ngừa COVID-19, có 4 nhà sản xuất Việt Nam đang tham gia ‘cuộc đua’

Nghiên cứu sản xuất vắcxin tại Vabiotech – Ảnh: L.ANH

Và có đến hai trong bốn đơn vị này có những kết quả ban đầu cho thấy nghiên cứu rất khả thi. Tháng 10 này, nếu đúng như kế hoạch, vắc xin của Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) có thể đưa vào thử nghiệm trên người và nếu thuận lợi, tháng 10-2021, Việt Nam có thể có vắc xin ngừa COVID-19.

Vắc xin ngừa COVID-19 sẽ có sớm?

Tại hội thảo do Bộ Y tế và Tổ chức quốc tế PATH tổ chức ngày 22-7 ở Hà Nội, đại diện PATH cho biết tính đến 15-7, toàn thế giới có 163 nhà sản xuất tham gia phát triển vắc xin ngừa COVID-19. Đến nay có 23 nhà sản xuất đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, 140 ở giai đoạn tiền lâm sàng, trong đó có bốn nhà sản xuất Việt Nam.

Trong đó 23 nhà sản xuất đã ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, có hai nghiên cứu đã ở giai đoạn 3 của thử nghiệm lâm sàng và ngày 27-7 tới sẽ có một nhà sản xuất nữa bước vào giai đoạn 3 này. “Nỗ lực toàn cầu đối với vắc xin ngừa COVID-19 là chưa có tiền lệ” – đại diện PATH nói.

Và với các nhà sản xuất vắc xin Việt Nam, các nỗ lực cũng đang được đền đáp. Ông Nguyễn Ngô Quang – phó cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) – cho biết dự án nghiên cứu của IVAC có tính khả thi cao. Theo TS Dương Hữu Thái – viện trưởng IVAC, dự án được hợp tác giữa ĐH Icahn (Mỹ) và ba nhà sản xuất vắc xin có cùng công nghệ là GPO (Thái Lan), Butantan (Brazil) và IVAC.

“Mục tiêu của chúng tôi là sản xuất được vắc xin COVID-19 số lượng lớn với giá thành hợp lý, có thể sử dụng được nhà máy sản xuất vắc xin cúm đại dịch hiện có ở IVAC” – ông Thái nói.

Mặc dù còn khó khăn, nhưng ông Thái cho biết IVAC đã sản xuất thử thành công ba lô trên dây chuyền hiện có, kết quả ban đầu cho thấy chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu. Ngày 20-7 vừa qua, viện đã gửi mẫu sang Mỹ đánh giá độc tính trên động vật thí nghiệm.

Tới đây, tháng 8-2020, sẽ thẩm định và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Tháng 10 – 12 sẽ thử nghiệm trên người giai đoạn 1, đồng thời nâng cấp quy mô sản xuất lên 6 triệu liều/năm (hiện nay nhà máy của IVAC có quy mô 3,5 triệu liều/năm). Tháng 12-2020, sản xuất lô thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2-3.

Đến quý 2-2021 nâng cấp quy mô lên 30 triệu liều/năm và quý 4-2021 nộp hồ sơ cấp phép sản phẩm. Theo ông Nguyễn Ngô Quang, nếu đúng như dự đoán, tháng 10-2021 Việt Nam sẽ có vắc xin ngừa COVID-19.

Bên cạnh nghiên cứu này, có ba đơn vị khác cũng đang rất nỗ lực, trong đó Vabiotech – Công ty TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm y tế – đã tiêm thử nghiệm hai liều trên chuột và đều có hiệu quả miễn dịch. Dự kiến đầu năm 2021, vắc xin của Vabiotech có thể đưa vào tiêm thử nghiệm trên người.

Công ty TNHH dược Nanogen và Trung tâm nghiên cứu vắc xin và sinh phẩm y tế – Polyvac, cũng có những bước đi rất vững chắc.

Giá vắc xin thế nào, ai được tiêm?

Đang có “làn sóng thứ 2” của đại dịch COVID-19. Đáng lo ngại khi chưa đầy năm ngày qua, thế giới có thêm 1 triệu ca mắc mới. Điều đó càng khiến nhiều người mong mỏi sớm có vắc xin phòng ngừa.

Hiện các hãng dược phẩm lớn đang tràn trề hi vọng sớm ra mắt được vắc xin. Nhưng giá vắc xin là bao nhiêu, ai có thể tiếp cận luôn là câu hỏi lớn.

Từ tháng 5, khi nghiên cứu sản xuất vắc xin còn chưa rõ ràng lắm, thì khoảng 150 nước đã tham gia liên minh nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận vắc xin này. Liên minh trên cũng đang tìm kiếm nguồn tài chính để có thể tăng quyền tiếp cận vắc xin tại các nước nghèo hoặc các nước đang phát triển.

Tại Việt Nam, vắc xin khả thi cao nhất là vắc xin của IVAC đã được “hứa hẹn” có giá thành rẻ. Với quy mô sản xuất lên tới 6 triệu liều vào năm 2021, Việt Nam có thể hi vọng chủ động đáp ứng được nhu cầu vắc xin ngừa COVID-19 trong nước. Và theo ông Nguyễn Thanh Long – quyền bộ trưởng Bộ Y tế, sẽ có những cơ chế để người Việt sớm được tiếp cận vắc xin với giá cả chấp nhận được.

Đảm bảo đúng quy trình và an toàn

Thời gian sản xuất, nghiên cứu vắc xin ngừa COVID-19 được rút ngắn rất nhiều so với các vắc xin truyền thống, liệu có đảm bảo chất lượng? Theo ông Nguyễn Ngô Quang, hội thảo ngày 22-7 nhằm hỗ trợ kỹ thuật để các nhà sản xuất có thể rút ngắn các thủ tục về hành chính, nhưng quy trình nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, đánh giá chất lượng đều đảm bảo đúng quy định và đảm bảo vắc xin an toàn. Có thể sẽ đề nghị cho phép lưu hành vắc xin ở diện khẩn cấp và sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để vắc xin lưu hành chính thức sau khi hết tình trạng khẩn cấp.

Nguồn TTO

Facebook
Twitter

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

THÔNG TIN MỘT SỐ BỆNH NHÂN ĐÃ VÀ ĐANG ĐIỀU TRỊ TẠI TRUNG TÂM