Đột quỵ xảy ra khi một mạch máu cung cấp máu cho não bị tắc nghẽn, hoặc một mạch máu trong não bị vỡ.
Đột quỵ là kẻ giết người đứng hàng thứ 5 trên thế giới và là nguyên nhân hàng đầu gây liệt.
Sau đây là 10 điều các bác sĩ muốn bạn cần biết về đột quỵ và cách kiểm soát, theo Healthgrades.
1. Biết các triệu chứng
Điều đầu tiên khi nói đến đột quỵ, mọi bác sĩ đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận biết các dấu hiệu của đột quỵ để xử lý kịp thời.
Hãy thử những bài kiểm tra sau:
Nếu bạn nghĩ ai đó đang bị đột quỵ, hãy yêu cầu họ mỉm cười: Một bên mặt có bị xệ không?
Bảo người ấy giơ cả hai tay lên: Một tay có rơi xuống không?
Yêu cầu họ nói một câu đơn giản để lặp lại: Họ có nói ngọng hay nói khác thường không?
Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, đừng chậm trễ, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức, theo Healthgrades.
2. Đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai
Bạn nghĩ đột quỵ chỉ là bệnh của người lớn tuổi? Mặc dù nguy cơ đột quỵ tăng lên theo tuổi tác, nhưng bất kỳ ai – kể cả trẻ sơ sinh và trẻ em – đều có thể bị đột quỵ.
Bác sĩ Rani Whitfield, chuyên gia y tế tại Baton Rouge, LA (Mỹ), giải thích, nhiều người bỏ qua các triệu chứng vì họ nghĩ rằng trẻ như vậy, không thể bị đột quỵ được.
Nhưng hãy chuẩn bị sẵn sàng và tìm kiếm sự giúp đỡ hay gọi cấp cứu ngay lập tức nếu nghi ngờ mình hay ai đó bị đột quỵ.
3. Không bao giờ được chần chừ chờ đợi
Càng trì hoãn việc điều trị, càng có nhiều tế bào não chết hơn.
Bác sĩ Grahame Gould, chuyên về phẫu thuật thần kinh mạch máu, của Bệnh viện Đại học Y Upstate (Mỹ), cho biết một số người bỏ qua các triệu chứng như tê ở cánh tay hoặc nói lắp bắp, mệt mỏi hoặc ngủ lịm đi, theo Healthgrades.
Ngay cả khi chưa biết chắc chắn đó có phải là đột quỵ hay không, vẫn phải gọi cấp cứu ngay. Thà cấp cứu nhầm còn hơn chết oan! Chờ đến lúc biết chắc là đột quỵ thì đã quá muộn! Bác sĩ Grahame nhấn mạnh.
4. Hãy nhanh chóng hành động khi thấy có người nghi ngờ bị đột quỵ
Thấy một người có những biểu hiện khác thường, nghi ngờ bị đột quỵ? Hãy hành động ngay lập tức, càng nhanh càng tốt.
Bởi vì đột quỵ ảnh hưởng đến não, nên bản thân người bị đột quỵ không thể nhận biết có điều gì không ổn xảy ra với mình, tiến sĩ Gould cảnh báo. Do đó, có kịp cứu sống người bị đột quỵ hay không là nhờ người xung quanh.
5. Đột quỵ hoàn toàn có thể điều trị được
Có thể điều trị đột quỵ, nhưng ngay cả các phương pháp điều trị tốt nhất cũng chỉ có thể cứu sống người bị đột quỵ nếu thực hiện trong vài giờ đầu tiên sau khi đột quỵ xảy ra, bác sĩ Thomas J. Grobelny, chuyên khoa thần kinh, bệnh viện phẫu thuật thần kinh Neurologic & Orthopedic Hospital of Chicago (Mỹ), giải thích.
Hành động càng sớm thì khả năng điều trị thành công càng cao.
Có thể tránh được nguy cơ bị liệt nếu dùng thuốc làm tan cục máu đông trong vòng 4, 5 giờ, theo hướng dẫn của Hiệp hội Tim mạch Mỹ và Hiệp hội Đột quỵ Mỹ, theo Healthline.
Và phẫu thuật loại bỏ cục máu đông trong vòng 24 giờ sau khi bắt đầu có các triệu chứng đột quỵ.
6. Điều nguy hiểm nhất là đột quỵ không gây đau đớn
Với một cơn đau tim, bệnh nhân có thể cảm thấy đau ngực hoặc cảm thấy sắp chết. Nhưng đột quỵ thì không.
Thực tế, đột quỵ thường không gây đau đớn, tiến sĩ Gould giải thích. Nhưng không đau không có nghĩa là đột quỵ không gây ra tổn thương nghiêm trọng.
7. Đừng bỏ qua các triệu chứng nhỏ
Cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua là một cơn đột quỵ nhẹ. Các triệu chứng giống như đột quỵ nhưng chỉ là tạm thời, và hầu như biến mất sau vài phút hoặc vài giờ.
Nhưng vẫn hãy gọi cấp cứu ngay lập tức nếu gặp các triệu chứng của đột quỵ. Cơn đột quỵ nhẹ đến rồi đi không có nghĩa là không sao, tiến sĩ Grobelny cảnh báo, theo Healthgrades.
Cơn đột quỵ thoáng qua là dấu hiệu báo trước sẽ có một cơn đột quỵ nghiêm trọng sắp xảy đến. Nếu được điều trị kịp thời, bác sĩ có cách để ngăn chặn điều cơn đột quỵ nghiêm trọng.
8. Nếu tập luyện chăm chỉ, bệnh nhân sẽ từng bước phục hồi
Liệu pháp phục hồi chức năng giúp những người sống sót sau đột quỵ phục hồi lại chức năng. Nhưng bệnh nhân cần phải tập luyện rất nhiều.
Chuyên gia phục hồi chức năng thần kinh, bác sĩ Kathleen Bell, chủ nhiệm Khoa Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng tại Trung tâm Y tế UT Southwestern (Mỹ), giải thích cần phải thúc đẩy não, phải tập kiên trì mới dẫn đến sự thay đổi thực sự.
9. Việc phục hồi cần có thời gian
Quá trình hồi phục sau đột quỵ có thể tiếp tục trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Tiến sĩ Bell nói: “Đừng bỏ cuộc. Việc tập luyện cần nỗ lực liên tục”.
10. Đột quỵ có thể phòng ngừa được
Tránh được đột quỵ thực sự không phải là chuyện hên xui. Tiến sĩ Whitfield giải thích, có tới 80% trường hợp đột quỵ có thể phòng ngừa được.
Có thể tránh được đột quỵ bằng cách giữ mức huyết áp và mức mỡ máu trong giới hạn bình thường, kiểm soát bệnh tiểu đường, tập thể dục vừa sức và không hút thuốc.
Hãy thực hiện các bước để ngăn ngừa đột quỵ, không bao giờ là quá muộn!, theo Healthgrades.
Nguồn : Thanh Niên