Bệnh nhân làm việc trong một xưởng may tại Hải Dương. Cách đây hai năm, anh thấy mắt trái bị cộm và đỏ, thường xuyên chảy nước mắt, có một vệt nhỏ màu hồng ở khóe trong mắt. Nghĩ rằng tăng ca nhiều nên mỏi mắt, anh tự mua nước muối sinh lý về nhỏ, không đi khám. Gần đây, mắt ngày càng nhìn mờ, đi khám bác sĩ kết luận bị mộng thịt ở mắt, phải phẫu thuật càng sớm càng tốt.
Ngày 10/9, Ths.Bs Hoàng Thanh Nga, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, cho biết mộng thịt thường xuất hiện ở khóe mắt (lòng trắng) sau đó lan rộng và xâm lấn vào giác mạc (lòng đen). Ban đầu chỉ là một chấm nhỏ màu hồng khu trú ở kết mạc, tùy theo tình trạng viêm sẽ phát triển tăng dần kích thước và lan rộng. Bệnh nhân thường xuất hiện dấu hiệu mắt đỏ, khó chịu, cảm giác như có cát, sạn trong mắt. Nặng hơn có thể làm biến dạng giác mạc, gây loạn thị, giảm thị lực.
“Như trường hợp của bệnh nhân trên, nếu tiếp tục để lâu hơn nữa thì thị lực sẽ giảm sút, không hồi phục kể cả sau cắt bỏ mộng. Thậm chí, mộng thịt phát triển to trong mắt còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ của khuôn mặt”, bác sĩ Nga nói.
Mộng thịt là bệnh khá phổ biến, khả năng tái phát, đặc biệt với người làm việc ngoài trời trong môi trường nhiều ánh nắng, hàm lượng tia UV cao. Ở giai đoạn sớm, bệnh không gây nguy hiểm giảm thị lực. Ở giai đoạn muộn, khi mộng xâm lấn sâu vào giác mạc hoặc nếu bị tái phát nhiều lần, có thể biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực. Vì vậy, khi có bất kỳ dấu hiệu của mộng thịt, cần đi kiểm tra sớm để có phương án điều trị kịp thời.
Khi bị mộng thịt, người bệnh sẽ được phẫu thuật để cắt bỏ, sau đó ghép kết mạc tự thân, nhằm ngăn ngừa nguy cơ tái phát. Người bệnh sau mổ cần chế độ chăm sóc đặc biệt để mắt nhanh chóng hồi phục. Bệnh nhân trên làm việc trong xưởng may cần dùng kính bảo vệ do mắt sau phẫu thuật còn yếu, khả năng bị nhiễm khuẩn cao.
Đồng thời, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ về các loại thuốc uống và thuốc nhỏ mắt, tái khám theo lịch hẹn hoặc khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường. Kết hợp với chế độ dinh dưỡng và dành thời gian để mắt được nghỉ ngơi hợp lý, giúp mắt nhanh chóng phục hồi.
Hiện, bệnh mộng thịt chưa có biện pháp để phòng tránh, tuy nhiên hạn chế tiếp xúc với ánh sáng nhiều tia UV sẽ giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh, ví dụ có thể sử dụng kính râm khi ra ngoài trời nắng. Ngoài ra, đối với người thường xuyên phải làm việc ở ngoài trời với nhiệt độ cao nên dành thời gian cho mắt nghỉ ngơi, sau một thời gian dài tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Đồng thời, sử dụng thêm nước mắt nhân tạo để cấp ẩm cho mắt.
“Luôn theo dõi và chú ý đến mọi biểu hiện nhỏ nhất ở cả hai mắt. Nếu cảm thấy khó chịu hoặc mắt nổi cộm, sưng, đỏ, nhìn mờ…, bệnh nhân cần nhanh chóng đến viện kiểm tra. Tuyệt đối không nên để mắt nhìn mờ hoàn toàn mới đến khám”, bác sĩ Nga khuyến cáo.
Lê Nga