Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Triệu chứng
– Các bệnh ung thư giai đoạn đầu thường không có biểu hiện rõ ràng và không đặc hiệu. Ung thư ống hậu môn cũng không ngoại lệ, đa số phát hiện bệnh khi ở giai đoạn giữa hoặc cuối của thời kỳ bệnh.
– Những triệu chứng để lưu ý sớm giúp người bệnh kịp thời biết và chữa trị:
* Chảy máu ở hậu môn: Quan sát thấy máu đỏ tươi, có thể là rỉ máu đỏ tươi ra giấy vệ sinh.
* Có cảm giác đau tức nặng ở vùng hậu môn.
* Ngứa và chảy dịch từ ống hậu môn, có thể là dịch chứa máu hoặc dịch mùi hôi.
* Bị sưng phồng, nổi khối ở xung quanh vùng lỗ hậu môn.
* Người bệnh thường có triệu chứng bị rối loạn tiêu hóa, có thể là táo bón hoặc tiêu chảy.
* Bị thay đổi khuôn phân.
Các giai đoạn
Ung thư ống hậu môn được chia làm 4 giai đoạn:
– Giai đoạn 1: Khối u kích thước nhỏ hơn 2 cm và không có sự di căn hạch hay di căn xa.
– Giai đoạn 2: Khối u kích thước lớn hơn 2 cm, cũng không có sự di căn hạch hoặc di căn xa.
– Giai đoạn 3:
* Giai đoạn 3A: Khối u có kích thước bất kỳ, xâm lấn tới hạch bạch huyết hoặc cơ quan lân cận (tử cung, bàng quang, âm đạo…).
* Giai đoạn 3B: Đây là giai đoạn khối u đã xâm lấn tới các cơ quan lân cận nhưng hạch bạch huyết bị giới hạn xung quanh trực tràng và chưa di căn xa. Hoặc, khối u có kích thước bất kỳ xâm lấn vào hạch vùng hoặc hạch bạch huyết nhưng không di căn xa.
– Giai đoạn 4: Giai đoạn cuối, khối u sẽ di căn xa tới cơ quan khác.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra ung thư ống hậu môn vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Một số yếu tố có thể biết được nguy cơ gây bệnh:
– Nhiễm virus HPV (Human papillomavirus): Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng nhiễm HPV là một trong những yếu tố có nguy cơ mắc bệnh ung thư ống hậu môn. Phổ biến nhất là lây qua đường quan hệ tình dục với người nhiễm HPV.
– Tuổi cao: Đa số bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư ống hậu môn thường độ tuổi 50-80.
– Các kích thích thường xuyên ở hậu môn gây sưng phồng, đỏ, đau, làm tăng nguy cơ phát triển của ung thư ống hậu môn.
– Rò hậu môn: Đây là tình trạng lỗ rò giữa ống hậu môn và da bên ngoài. Lỗ rò thường xuyên chảy dịch, phân và gây kích thích mô xung quanh lỗ hậu môn.
– Hút thuốc lá nguy cơ ảnh hưởng cao đến cơ thể, trong đó có hậu môn. Theo nghiên cứu, người hút thuốc lá có nguy cơ ung thư hậu môn tăng 8 lần so với người không sử dụng thuốc lá.
– Suy giảm miễn dịch như HIV, người ghép tạng, người dùng các thuốc ức chế miễn dịch có nguy cơ mắc ung thư hậu môn cao.
Chẩn đoán
– Nội soi đại tràng hoặc đại tràng xích ma (sigma): Được thực hiện để đánh giá khu vực của bệnh.
– Chẩn đoán bằng xét nghiệm sinh thiết: Sinh thiết da, sinh thiết cần thiết đối với các tổn thương gần vùng tiếp giáp lát trụ (đường Z) với mục đích phát hiện và sàng lọc ung thư ở giai đoạn sớm.
– Siêu âm: Siêu âm ổ bụng để đánh giá tình trạng bụng sơ bộ hoặc siêu âm nội soi đánh giá xâm lấn của ung thư tới các lớp của ống hậu môn.
– Chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng nhằm đánh giá khối u, sự xâm lấn tổ chức xung quanh, di căn hạch và xâm lấn cơ quan lân cận.
– Chụp PET/CT đánh giá tổn thương tại chỗ và di căn xa toàn cơ thể.
Điều trị
– Điều trị ung thư ống hậu môn có 3 phương pháp chính:
* Phẫu thuật: Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm thì phẫu thuật cắt bỏ khối u hậu môn và một số phần xung quanh. Sau đó bệnh nhân được theo dõi định kỳ.
* Xạ trị: Phương pháp xạ trị thường được kết hợp với hóa chất. Bệnh nhân thường xạ trị liên tục 5 ngày/tuần trong khoảng 5-6 tuần. Tác dụng phụ của xạ trị là mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, cảm giác khó chịu khi đi vệ sinh và các kích thích hậu môn tạm thời (sưng, phồng, đỏ da…).
* Hóa trị: Phương pháp này thường kết hợp nhiều loại thuốc: fluorouracil (5-FU, Adrucil) kết hợp với Mitomycin C (Mitozytrez, Mutamycin) hoặc Cisplatin. Tác dụng phụ gồm mệt mỏi, nôn và buồn nôn, rụng tóc, tiêu chảy, chán ăn.
– Chọn điều trị bằng phương pháp nào còn phụ thuộc vào các yếu tố:
* Loại ung thư hậu môn, giai đoạn phát triển của bệnh.
* Cân nhắc trước các biến chứng hay tác dụng phụ mà các phương pháp điều trị có thể gây ra.
* Lựa chọn theo sự quyết định của bệnh nhân.
* Xem xét phương pháp phù hợp với thể trạng bệnh nhân.
Phòng ngừa
Hiện nay chưa có các biện pháp phòng ngừa đặc hiệu. Một số biện pháp phòng ngừa như:
– Tiêm vaccine HPV.
– Quan hệ tình dục với các biện pháp an toàn.
– Hạn chế quan hệ nhiều bạn tình.
– Sử dụng bao cao su.
– Ngừng hút thuốc lá.
Mỹ Ý