Theo BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM – Cơ sở 3, ngộ độc thực phẩm là tình trạng bị trúng độc do dùng thức ăn, nước uống nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc biến chất, ôi thiu, vượt quá liều lượng cho phép chất bảo quản, chất phụ gia.
Các triệu chứng ngộ độc như đau bụng, chướng bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, dị ứng, mẩn ngứa… Ngộ độc ở mức độ nhẹ hoặc vừa, bạn có thể dùng một số thảo dược sau đây chữa trị ngay tại nhà hoặc điều trị sơ cứu hỗ trợ cho phương pháp cấp cứu của y học hiện đại.
Đậu xanh
Hạt đậu xanh có vị ngọt, tính mát. Để chữa ngộ độc thực phẩm dùng đậu xanh nghiền sống hòa nước, uống thật nhiều để nôn ra và giải độc.
Quả khế
Khế có vị chua, ngọt, tính bình. Để chữa ngộ độc, dùng quả khế ép lấy nước uống.
Tỏi
Tỏi vị cay, tính ấm. Khi ngộ độc gây tiêu chảy, dùng tỏi 100 g sắc với 300 ml, còn 100 ml cho uống.
Thìa là
Thìa là giúp giải độc thức ăn tanh, cua cá, giúp tiêu hóa, chữa nôn, đầy bụng, dùng hạt thìa là 3-6 g nhai nuốt.
Cam thảo bắc
Rễ cam thảo bắc vị ngọt, tính bình khi dùng sống, có tác dụng giải độc đối với ngộ độc thịt và nấm. Dùng bài thuốc gồm cam thảo bắc, đại hoàng mỗi vị 20 g sắc uống.
Đậu ván trắng
Hạt đậu ván trắng có vị ngọt, tính hơi ôn được dùng chữa ngộ độc thức ăn gây nôn mửa, tiêu chảy. Dùng bài thuốc gồm đậu ván trắng 20 g, hương nhu 16 g, hậu phác 12 g, sắc uống.
Bác sĩ Vũ lưu ý trường hợp ngộ độc triệu chứng nặng sau đây cần đến cơ sở y tế điều trị ngay để tránh chuyển biến nặng.
- Tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày, đau bụng dữ dội, sốt cao.
- Nôn mửa thường xuyên, nôn ra máu hoặc đi cầu ra máu, nước tiểu có máu.
- Các dấu hiệu mất nước nặng (mắt trũng, khát nước, khô miệng, đi tiểu ít hoặc không đi tiểu…).
- Cơ thể yếu trầm trọng, hoa mắt, chóng mặt, tay hoặc chân lạnh, thở nhanh hoặc thở dốc, tụt huyết áp…
- Thể trạng yếu như người già, trẻ nhỏ, suy giảm miễn dịch…
Mỹ Ý