Trả lời:
Không có khái niệm trái cây nóng hay lạnh, đơn cử múi mít không hề có nhiệt độ cao, cho vào miệng không có cảm giác nóng bỏng. Tuy nhiên, do mít chứa nhiều đường, khi vào cơ thể sẽ nhanh chóng đi vào máu và chuyển hóa khiến người ăn có cảm giác nóng, bốc hỏa. Đặc biệt, mùa hè thời tiết nắng nóng, ăn thực phẩm ngọt sẽ làm lượng đường trong máu tăng, không tốt.
Nếu bạn ăn lượng vừa phải thì không ảnh hưởng sức khỏe, ngược lại còn tạo cảm giác ngon miệng, tăng cường dinh dưỡng, miễn dịch. Mít là loại quả quen thuộc vào mùa hè, giàu kẽm, canxi, sắt… Trừ lớp vỏ gai, phần còn lại của quả mít hầu như đều ăn được. Còn nếu lạm dụng thì không chỉ mít mà bất kể thực phẩm nào cũng sẽ gây hại.
Nhìn chung, bạn chỉ nên ăn 4-5 múi mít/ngày, tương đương 80-100 g, không nên ăn nhiều cùng lúc. Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị mỗi ngày bổ sung 200-300g hoa quả chín, vì vậy ngoài mít, nên bổ sung thêm các loại khác cho đa dạng.
Nên ăn mít khoảng 1-2 giờ sau ăn bữa chính, không nên ăn lúc quá đói hoặc quá no, không nên ăn buổi tối vì dễ gây đầy bụng, ảnh hưởng hệ tiêu hóa. Người bị rối loạn đường máu, tiểu đường, gan nhiễm mỡ, thừa cân, béo phì cần hạn chế ăn mít.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh
Nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội