Ông Saroj Khadka gặp biến cố y tế khi đang tận hưởng kỳ nghỉ phép tại nhà riêng ở Kent. Sau buổi sáng tập thể dục tại phòng gym, ông về nhà nấu bữa trưa và lên kế hoạch cho chuyến đi câu cá. Ăn xong, ông bắt đầu cảm thấy những biểu hiện bất thường trong cơ thể.
Ở độ tuổi 48 với cơ thể khỏe mạnh, chưa từng phải đi khám, Saroj không quá lo lắng và quyết định ngồi nghỉ ngơi theo lời khuyên của vợ là Sarah. Cả hai nghĩ rằng ông đã tập luyện quá sức vào buổi sáng. Tuy nhiên, không lâu sau, khi đang gọi điện thoại, Sarah nghe thấy một tiếng động lớn. Bà lao vào phòng tắm và phát hiện chồng mình nằm bất động trên sàn, mắt trợn ngược, thân thể vặn vẹo.
Bà Sarah chộp lấy điện thoại để gọi cấp cứu, được nhân viên trực tổng đài yêu cầu hồi sức tim phổi (CPR) cho chồng. Bà từng học về kỹ thuật này khi còn là nữ hướng đạo sinh, song đó đã là chuyện của 40 năm trước. Sarah chưa từng làm CPR trên một người bị nạn thực sự. Dù vậy, bà vẫn cố gắng nhớ lại các kiến thức và làm động tác ép tim liên tục cho chồng mình suốt 10 phút, đến khi bản thân gần kiệt sức.
“Tôi bắt đầu thấy mệt, nhưng nhân viên tổng đài cấp cứu thật tuyệt. Anh ấy hướng dẫn một cách kiên định và rõ ràng, đếm nhịp và động viên tôi tiếp tục”, bà nói.
Nhiều người cho rằng mục đích của CPR là khiến tim đập trở lại. Tuy nhiên, thực tế, động tác ép ngực chủ yếu giữ cho máu chứa oxy chảy đến não và các cơ quan khác, đến khi đội cứu thương được trang bị máy khử rung tim tới hiện trường. Điều này làm giảm nguy cơ tàn tật hoặc tổn thương não vĩnh viễn.
Khi xe cấp cứu đến nơi, các nhân viên y tế tiếp tục làm CPR thay Sarah, kết hợp sử dụng máy khử rung. Ông Saroj sau đó được sử dụng máy ép tim tự động. Trên suốt quãng đường di chuyển đến bệnh viện, lực lượng cấp cứu nhiều lần nỗ lực khiến tim ông đập trở lại. Ở thời điểm này, Saroj đã bị ngừng tim suốt 40 phút, có nghĩa cơ hội sống sót dưới 1%.
Sarah theo sau bằng xe cá nhân, không biết chuyện gì xảy ra. “Tôi hoàn toàn hoang mang. Tôi lái xe qua một nghĩa trang và nghĩ, không biết chồng mình còn sống hay đã chết”, bà nói.
Tại bệnh viện, Saroj được chỉ định phẫu thuật đặt stent khẩn cấp. Ngoài việc ngừng tim và tắc nghẽn động mạch chính, phổi của ông cũng bị thủng, thận ảnh hưởng do quá trình khởi động lại tim. Ông phải sử dụng tim phổi nhân tạo (ECMO), thiết bị giúp bơm máu ra ngoài, bổ sung oxy và truyền lại cơ thể, cho phép tim phổi nghỉ ngơi. Quá trình điều trị giúp Saroj hồi phục chậm rãi. Ông hôn mê một tháng, nằm viện tổng cộng 53 ngày.
Bác sĩ Duncan Bootland, Giám đốc y tế lực lượng cấp cứu KSS Air Ambulance, cho biết bà Sarah đóng vai trò quan trọng trong sự hồi phục của chồng mình. “Nếu không có bà ấy trong ‘chuỗi sinh tồn’ này, mọi thứ sẽ rất khác. Sarah thực hiện hồi sức tim phổi đúng lúc, liên tục tới khi đội ngũ cấp cứu đến nơi. Đó chính là chìa khóa”, ông nói.
Thực tế, tình trạng ngưng tim tương tự một cơn đau tim, xảy ra khi dòng máu đến tim tắc nghẽn. Khi tim người ngừng đập, máu không thể bơm đến phần còn lại của cơ thể, bao gồm não và phổi. Người bệnh có thể tử vong trong vài phút nếu không được điều trị kịp thời. Ngưng tim có thể xảy ra bất cứ lúc nào, trong mọi tình huống. Đây là nguyên nhân gây chết người hàng đầu thế giới. Hầu hết ca ngưng tim xảy ra trong nhà, 18,8% trường hợp khác xảy ra nơi công cộng.
Hồi sức tim phổi là thủ thuật vô cùng quan trọng, giúp cứu sống bệnh nhân trong một số trường hợp nguy kịch. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, cứ 10 người ngưng tim ngoài bệnh viện thì 9 người tử vong. Tuy nhiên, thực hiện CPR đúng lúc và đúng cách giúp tăng gấp đôi hoặc gấp ba lần cơ hội sống sót của nạn nhân. CPR cũng cải thiện hiệu quả của quá trình khử rung tim (thường được thực tại bệnh viện).
CPR giữ cho máu giàu oxy lưu thông đến não và các cơ quan khác, đến khi bác sĩ cấp cứu thực hiện các phương pháp chuyên sâu hơn để khôi phục nhịp tim bình thường.
Thục Linh (Theo Express)