Previous slide
Next slide

CHUYÊN MỤC

TIN TỨC Y KHOA MỚI NHẤT

May là phế quản chỉ biết ho!

Từ công sang tội
Đã bệnh ắt phải khó chịu. Không ai vui gì khi phải … ho! Nhiều người vì thế xem ho là một căn bệnh. Không sai vì nếu khỏe mấy ai lại ho! Nhưng nếu xét về mặt cơ chế thì không hoàn toàn chính xác. Ho là một phản xạ, nói đúng hơn, một thể dạng phản ứng phòng vệ của cơ thể nhằm tìm cách tống khứ đàm nhớt, bệnh nguyên, vật lạ … ra khỏi đường hô hấp. Bằng chứng cụ thể là cơn hen suyễn bao giờ cũng chấm dứt bằng cơn ho. Như thế còn ho được là điều đáng mừng. Kẹt một nỗi là mấy ai kiên nhẫn chịu ho cho đến lúc bệnh hoạn rũ áo ra đi! Thêm vào đó, nhiều khi ho hoài vẫn không dứt bệnh. Chính vì thế mà ho cần được điều trị để nạn nhân ho sao cho mau hết bệnh. Đó lại chính là vấn đề vì trong đa số trường hợp ho thường kéo dài dai dẳng là do nhiều yếu tố, khách quan tất nhiên cũng có, nhưng cũng không thiếu chủ quan, khiến ho thay vì làm tròn chức năng phòng vệ lại trở thành gánh nặng của nạn nhân!

Chuyện gì cũng có lý do
Phế quản không tự nhiên bỗng co thắt làm gì. Không khí sau khi được sưởi ấm, được lọc bụi ở mũi nếu vào đến đường hô hấp trên mà không mang theo bệnh nguyên thì phế quản đâu cần nhọc công phản ứng làm chi cho khổ gia chủ. Ngược lại, nếu khí mang vào đã lạnh, chẳng hạn vì làm việc trong phòng máy lạnh, vì ngoài trời giá rét, lại thêm bội nhiễm siêu vi, vi khuẩn, nấm mốc thì khi đó niêm mạc đường hô hấp khó tránh bị viêm tấy đồng thời với phản ứng xuất tiết và co thắt ống dẫn khí để tìm cách đẩy bệnh nguyên trở ra. Ho và đàm vì thế là phản ứng hợp lý của cơ thể. Chỉ không hợp tình nếu đàm nhớt quá cô đặc nên dính cứng vào niêm mạc gây cảm giác khó thở đồng thời là môi trường thuận tiện cho sự phát triển của vi khuẩn tìm mọi cách ăn theo. Do đó, muốn hết ho thì đường thông khí phải sạch, đờm phải loãng. Không giải quyết được tình trạng viêm tấy gây xuất tiết, chẳng hạn vì dị ứng, không uống nước đủ để pha loãng đờm nhớt thì có uống bao nhiêu thuốc ho chỉ ho thêm vì … tức!

Ho gió vì quên chút dầu
Ngôn ngử xứ mình đơn giản mà thâm thúy lại thêm chính xác về mặt khoa học. Bằng chứng là hai tiếng dầu gió, cứ như lời dặn bên tai “đâu có gió nhớ mang theo dầu”. Nếu như muốn trừ ho phải tiến hành đồng bộ công việc kháng viêm, kháng sinh, long đờm, chống co thắt, chống dị ứng … thì thầy thuốc tất nhiên phải cần nhiều loại thuốc. Bên cạnh phản ứng tương tác khó lường khi nhiều thuốc gặp nhau giữa đường, bệnh nhân còn khổ thêm vì phải nuốt nhiều thứ thuốc. Đáng tiếc vì nhiều bệnh nhân vẫn chưa được hướng dẩn về cách sử dụng tinh dầu cây thuốc với công năng “nhiều trong 1”. Đáng tiếc hơn nữa là trong khi “hương liệu pháp” (aromatherapy) với các loại tinh dầu không thiếu ở xứ mình như tràm, gừng, húng chanh, hồi …, đang được ngành y phương Tây hết sức trân trọng thì không ít thầy thuốc ở nước ta vẫn còn thói quen “không kháng sinh không về”!, mặc cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã từ lâu bình bầu nước mình vào danh sách các quốc gia đang dẫn đầu về lờn thuốc kháng sinh!

Đau Nam chữa Bắc mới hay
Hễ ho thì ai nấy nghĩ ngay đến đường hô hấp. Không sai nhưng thiếu. Chính vì thế mà nhiều người ho hoài dù thử gần hết các loại thuốc ho! Ít ai ngờ là vùng hầu họng trở nên rất nhạy cảm khiến lực lượng vi khuẩn sống chực chờ ở đó gặp ngay thời cơ thuận tiện để tác quái nếu bàn chân bị lạnh. Uống thuốc ho cả ngày lẫn đêm mà quên giữ bàn chân cho ấm thì cũng như không. Do đó, người vừa cảm lạnh, người vừa nghe ngứa cổ nên ngâm chân trong nước ấm 10 phút, nếu có được ít giọt tinh dầu tràm, khuynh diệp, bạc hà … càng tốt, hoặc nếu “hiện đại” hơn nữa thì chọn kiểu “hại điện” bằng cách dùng máy xấy tóc, hay đèn hồng ngoại hơ nóng lòng bàn chân trước đó được thoa chút dầu gió.

Phế quản không vô cớ bỗng co thắt liên hồi khiến gia chủ té ho. Có vay ắt có lúc phải trả. Người thường húng hắng khi trở trời, người hễ ho thì ho lâu ngày cần xem lại nếp sinh hoạt nếu còn biết thương đường hô hấp. Cũng may là phế quản chỉ biết ho, không biết nói!

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng.

Facebook
Twitter

5 bình luận

  1. tÔI HOÀN TOÀN TÁN ĐỒNG. bs LLHOÀNG; THEO KINH NGHIỆM VÀ HIÊU BIẾT CÁ NHÂN, TÔI RẤT VUI MỪNG

    KHẮP THẾ GIỚI ĐANG CHÀO MỪNG TÂN DƯỢC ĐÃ VÀ ĐANG PHÁT TRIỂN GẦN 100 NĂM NAY–MODERN MEDICINE AND MODERN THERAPY– NGUYÊN LÝ TRỊ BỊNH BẰNG DƯỢC THẢO VÀ OZONE THERAPY, HYDROGEN THERAPY, CHELATION INJECTION ĐÃ CỨU KHÔNG BIẾT BAO NHIÊU SINH MẠNG. NHỮNG LIỆU PHÁP NẦY ĐÃ CỨU BẢN THÂN TÔI.

    MONG SAO VN CÓ THẬT NHIỀU LƯƠNG y NHƯ LLHOÀNG VÀ BỆNH VIỆN TRỊ BỊNG BẰNG PHƯƠNG PHÁP TRÊN.

    CẢM ƠN NHIỀU MẠNG THÔNG TIN Y HỌC NẦY ĐÃ CHO TÔI MỘT NIỀM VUI LỚN KHI BIẾT ĐƯỢC ĐẤT NƯỚC TÔI CÓ ĐƯỢC BỆNH VIỆN HIỆN ĐẠI VỚI Y HỌC TIẾN BỘ VA THẦY THUỐC GIỎI

    ĐINH VẠN XUÂN, SYDNEY.

  2. Tôi bị ho dai dẳng từ sau khi sinh con đầu lòng đến nay hơn 4 tháng mà vẫn không khỏi dù uống nhiều đợt kháng sinh.
    thời gian gần đây có giảm nhưng khỏang gần sáng thì đàm nhớt trong chảy từ mũi xuống họng rất nhiều, gây buốt xoang và nghẹt mũi, có khi ho buốt ngực. Tôi bị viêm mũi dị ứng và viêm đa xoang từ nhỏ. sau khi sinh xong tôi bị nghẹt mũi liên tục và dị ứng da, xuất hiện rất nhiều nốt đỏ rãi rác khắp người, nhiều nhất ở hai cánh tay và nổi mày đay. Tôi phải kiêng ăn tôm cua, bò gà; nhưng nhiều khi ăn cá basa thì cũng thấy nốt đỏ xuất hiện, nếu cử ăn hòai thì cho con bú sẽ bị thiếu chất. Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên về cách ăn uống để giảm bớt dị ứng.
    sau khi sinh xong tôi bị suy tĩnh mạch sâu chi dưới nên đi lại rất khó khăn, phải mang vớ y khoa liên tục nhưng không dám uống thuốc vì đang cho con bú. xin hỏi bác sĩ bệnh này có hết không, điều trị như thế nào.
    xin chân thành cảm ơn

  3. Trong truong hop cua chi can duoc kham benh, nhat la xet nghiem mau moi co lieu phap thich ung. Truoc mat can tranh cac thuc an da gay di ung. Ben canh do chi nen ap dung phuong phap ngam chan nuoc am moi toi. Chi khong phai lo thieu duong chat vi chi co the bo sung bang thuc pham chuc nang chua tao Spirulina, dau nanh …

  4. Qua báo chí tôi biết Trung tâm OXCA. Dù chỉ là ngày đầu đến TT, chưa biết hiệu quả điều trị sẽ ra sao, nhưng tôi rất tri ân Bs.Hoàng và các cộng sự đã có sự giải thích, hướng dẫn chu đáo cho bệnh nhân, làm việc rất khoa học, tận tâm. Xin gửi lời cám ơn và lòng tin tưởng, quý mến tới Bs và đội ngũ cộng sự của TT. Các bài viết của Bs. Hoàng trên báo được viết với lời văn dí dỏm,dễ hiểu và là những thông tin đáng tin cậy, rất có ích cho mọi người.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

THÔNG TIN MỘT SỐ BỆNH NHÂN ĐÃ VÀ ĐANG ĐIỀU TRỊ TẠI TRUNG TÂM